Nội dung
9 sai lầm tài chính cá nhân không tránh sẽ nghèo

9 sai lầm tài chính cá nhân không tránh sẽ nghèo

Giàu hay nghèo thì thu nhập không phải là yếu tố quyết định tất cả, mà chính việc bạn quản lý tài chính cá nhân như thế nào sẽ đóng vai trò then chốt đến ngã rẽ cuộc đời của bạn và gia đình.

Quản lý tài chính cá nhân là cả 1 nghệ thuật và người làm chủ được nó xứng đáng là 1 nghệ sỹ, mỗi người sẽ cần phải đúc ra được bộ công thức chuẩn riêng cho mình.

Tham khảo: Bạn có thể tham khảo qua quy trình bộ công thức 7 bước.

Tuy nhiên, rủi ro là việc không thể tránh khỏi, hậu quả để lại sẽ rất lớn nếu bạn không nhận ra những lỗ hổng, vì vậy mà dưới đây sẽ là 9 sai lầm tài chính cá nhân mà nếu bạn không tránh thì kiếp nghèo sẽ luôn đeo bám bạn.

1. Không nắm được nguồn tiền

Nguồn tiền ở đây sẽ bao gồm tất cả thu nhập của bạn trong 1 tháng (tính cả lương) và cả những khoản mà bạn sẽ phải chi cho cuộc sống, lãi vay, tín dụng…

Sẽ rất hại nếu như bạn có nhiều nguồn thu nhập và khi bạn không có 1 kế hoạch tài chính rõ ràng thì rất dễ dẫn đến tình trạng “có nhiêu cũng hết” và không biết tiền đi đâu về đâu.

Để giải quyết tình trạng này thì bạn nên làm như sau:

  • Dồn hết tiền về 1 tài khoản duy nhất để tiện cho việc thống kê tổng thu nhập 1 tháng.
  • Lập danh sách các khoản chi và chia thật chi tiết ra: chi cho cá nhân, tiết kiệm, đầu tư…
  • Tổng thu nhập bạn sẽ chia % ra: 50% cho cá nhân và gia đình, 10% tự thưởng cho bản thân, 30% tiết kiệm và 10% đầu tư (% tiết kiệm và đầu tư có thể dao động dựa vào tình hình kinh tế mỗi tháng).

Bạn càng làm chi tiết thì bạn càng hiểu được dòng tiền mỗi tháng, từ đó có thể tối ưu nó hiệu quả hơn cho các mục tiêu dài lâu.

Thống kê và tính toán thu chi thật chi tiết và cẩn thận

2. Chỉ có duy nhất 1 nguồn thu nhập

Đừng bao giờ tin vào sự ổn định, dù cho lương bạn có 100 triệu/tháng thì rủi ro luôn tiềm ẩn bất cứ lúc nào.

Có ai đảm bảo là ngày mai bạn không bị giảm lương? Có ai đảm bảo ngày mai bạn không bị đuổi việc?…

Vì vậy đừng bao giờ “tôn thờ” việc tập trung vào 1 nguồn thu nhập duy nhất, mà nên tìm cách gia tăng thêm 2-3 khoản thu khác, tùy vào sức “cày” của bạn.

Đó có thể đến từ việc bạn làm thêm, khởi nghiệp kinh doanh, đầu tư… bất kể hình thức nào mang tiền về cho bạn thì cứ việc làm.

3. Vướng vào bẫy “vay và nợ”

Có 2 thứ “đáng sợ” mà nếu bạn chưa từng dính vào thì đừng nên thử, đó là “vay tiêu dùng” và “thẻ tín dụng”.

Nhu cầu sống của bạn ở mức nào thì chỉ nên dừng ở mức đó và nhớ là luôn tuân theo quy tắc: số tiền để sống không được vượt quá 50% tổng thu nhập 1 tháng.

Thẻ tín dụng tiện lợi thật nhưng nếu nó không phục vụ cho công việc thì bạn không nên đụng đến.

Bạn rất dễ bị chi tiêu quá đà vào việc mua hàng online, “lậm” vào việc mua trả góp những thứ tiêu sản,…

Đồng ý là sau những khoảng thời gian “cày cuốc vất vả” thì bạn muốn tự thưởng cho bản thân nhưng việc đó nên chia thành 1 mục nhỏ trong tổng thu nhập của bạn mỗi tháng, nếu thứ đó nó có giá trị lớn hơn số tiền bạn để ra mỗi tháng thì có thể để dồn nhiều tháng.

4. Không biết mức sống bản thân đang ở đâu

Mỗi người sẽ có 1 mức sống khác nhau, có người 7 triệu đã cảm thấy ổn, có người 10 triệu đã thấy quá đủ, có người 20 triệu vẫn thấy thiếu.

Nó sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bản thân, trách nhiệm và số “miệng ăn” trong 1 gia đình.

Ở đây chỉ tính khoản mà bạn chi cho việc “ăn để sống mỗi tháng”, nên nó chỉ bao gồm những khoản như ăn uống, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền nhà, tiền học…

Để biết bạn đang ở mức sống nào thì đơn giản bạn chỉ cần liệt kê chi tiết các khoản mình đã kể trên (khoan hãy liệt kê số tiền cho mỗi khoản).

Tiếp đó, dựa vào tổng thu nhập của bạn mỗi tháng thì bạn sẽ * với 50% là ra tổng số tiền bạn có được cho khoản “ăn để sống mỗi tháng”.

Lúc này có số tổng rồi thì bạn có thể chia nhỏ ra cho từng khoản, có thể tháng đầu không chuẩn hoặc thiếu trước hụt sau nhưng quá tháng thứ 2 là bạn đã có thể tối ưu mọi thứ ổn hơn.

Ví dụ: Tổng thu nhập 1 tháng của bạn là 15 triệu thì 50% của 15 triệu sẽ là 7.5 triệu, đây chính là số tiền bạn để ra cho khoản “ăn để sống”.

5. Không có quỹ dự phòng

Đây chính là lỗi sai cực nghiêm trọng của đại đa số mọi người hiện nay, thường họ sẽ ưu tiên các khoản như chi tiêu cá nhân và sau đó dư ra đồng nào thì sẽ liệt vào danh sách tự thưởng cho bản thân.

Tai hại hơn nữa nếu cứ duy trì cách quản lý tài chính như vậy thì thu nhập bao nhiêu cũng không đủ và đến lúc cần vào những việc nguy cấp thì bạn sẽ không có đủ tiền hay tệ hơn nữa là không có bất kỳ 1 khoản tiền dự phòng nào trong tài khoản.

Nếu thu nhập bạn không cao thì có thể gộp chung “quỹ dự phòng” và “tiết kiệm” làm 1, cách chia thế nào bạn có thể xem lại ở mục số 4 ở trên.

Còn nếu bạn có mức thu nhập cao thì trong tổng số đó bạn chia thêm 20% vào quỹ “dự phòng”, 10% cho khoản “tiết kiệm”, 10% cho “đầu tư”, 10% tự thưởng bản thân và 50% còn lại sẽ thuộc vào khoản “tiền để sống”.

Tùy vào thu nhập mà bạn linh động trong phần “quỹ dự phòng”

6. Không đầu tư vào kiến thức cho bản thân

Còn nhớ sai lầm thứ 2 mà mình đã nhắc đến không? Đừng chỉ dựa vào 1 nguồn thu nhập duy nhất.

Để làm được điều đó thì bạn buộc phải phát triển kiến thức của bản thân để tìm kiếm thêm cơ hội gia tăng thu nhập.

Vì vậy bạn nên lựa chọn trích ra 1 khoản tiền trong khoản tự thưởng bản thân mỗi tháng để đầu tư vào thêm cho bản thân.

Đó có thể là những khóa học, buổi hội thảo, gặp mặt giao lưu mở rộng các mối quan hệ… bất cứ việc nào mà bạn thấy là nó cần thiết để giúp bạn phát triển được thì được xem là khoản tiền đầu tư “không gì xứng đáng” hơn.

7. Không tiết kiệm và đầu tư dài hạn

Bạn đừng bao giờ để những lời hoa mỹ từ những ông thầy chỉ biết bán khóa học “chém gió” về việc bạn muốn giàu thì đừng tiết kiệm mà nên đầu tư.

Đúng! nhưng nó lại phụ thuộc vào mức sống, thu nhập của mỗi người nên việc có thêm 1 khoản tiền tiết kiệm sẽ hạn chế đi rủi ro rất nhiều.

Việc đầu tư nó luôn có rủi ro, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại đang nằm trong cơn đại suy thoái kinh tế toàn cầu, đầu tư gì cũng sẽ nắm chắc phần lớn là từ lỗ đi xuống.

Vì vậy bạn có thể tham khảo chiến lược như vầy, như khoản mình đã chia ở các mục trên thì bạn sẽ trích ra 10% tổng thu nhập để đầu tư thì nên phân bổ ra thành 5-5 cho 2 khoản đầu tư khác nhau:

  • Ngắn hạn: là số tiền bạn bỏ vào và sẽ thoát ra sớm trong vài ngày, vài tuần, thường là ở những dự án mới nổi hoặc có tiềm lực phát triển trong thời gian ngắn.
  • Dài hạn: là số tiền bạn bỏ vào nhưng sẽ theo hướng dài hạn, 6 tháng – 1 năm hoặc hơn, nên lựa chọn những dự án có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Các kênh đầu tư thì bạn có thể tham khảo thêm bài viết này.

10% trong tổng thu nhập bạn sẽ để dành trong tài khoản tiết kiệm, nhưng đừng để tiền nằm yên mà hãy dùng nó giúp bạn đẻ thêm ra tiền, có thể là mở tài khoản tiết kiệm ở các ngân hàng (thời điểm mà các ngân hàng đang lần lượt tăng lãi suất thì không gì đẹp hơn để bạn dùng tiền sinh tiền).

8. Thiếu sự kỷ luật

Trong quản lý tài chính cá nhân thì tính kỷ luật nên được ưu tiên hàng đầu, nếu không bạn rất dễ đi vào vòng lặp phá vỡ đi nguyên tắc do chính bản thân mình đưa ra.

Ví dụ: Khoản tự thưởng cá nhân rất dễ lấn sang các phần khác nếu chi tiêu không có kế hoạch.

Mỗi khoản tiền bạn đã lên kế hoạch phân chia % theo tháng thì nếu có vấn đề phát sinh thật sự cần thì nên để cuối tháng rồi hãy tối ưu lại các khoản cho hợp lý.

Ví dụ: Gia đình bạn có thêm thành viên và khoản “tiền để sống” buộc phải tăng lên thì bạn có thể hạ các khoản khác hoặc cắt bớt luôn nếu thấy thật sự cần thiết để nâng khoản còn lại lên.

Còn nếu bạn gặp trường hợp khẩn cấp dùng đến “quỹ dự phòng” nhưng tiền không đủ thì có thể ưu tiên cắt bớt phần tiền trong khoản “tiết kiệm” sang.

Mọi thứ phải có sự kỷ luật và chỉ nên điều chỉnh khi xuất hiện những thứ buộc bạn phải thay đổi, còn lại với những nhu cầu theo “ham muốn” bản thân thì nên nói không.

9. Đòn bẩy tài chính

Đòn bẩy tài chính luôn thật sự cần thiết trong các khoản đầu tư vào các tài sản có giá trị lâu dài, nhưng bạn cũng cần phải biết khả năng tài chính của bản thân đang ở mức nào để có lựa chọn phù hợp.

Còn nếu bạn lạm dụng “đòn bẩy” quá đà thì rất dễ dẫn đến việc tiền dư không có, sống cuộc sống quá áp lực vào việc phải dằn túi để trả lãi mỗi tháng…

Cho nên, hãy cân nhắc thật kỹ, mua nhà thì hạnh phúc và tự hào thật đó nhưng đổi lại cuộc sống quá chật vật, gánh còng lưng 15-20 năm mà không dư ra 1 đồng nào cho con cháu sau này thì nên suy nghĩ lại.

Tạm Kết

Trên đây là 9 sai lầm tài chính cá nhân mà theo mình là nên tránh hoặc giảm tải bớt nếu như bạn đang dính vào, có thể khó mà thay đổi trong ngày 1, ngày 2 nhưng buộc bạn phải làm khác đi nếu như muốn 1 cuộc sống sau này thoải mái.

Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại ở bài viết kế tiếp!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận