Nội dung
Số 6 là các kênh đầu tư tài chính cá nhân của Mayashare

Số 6 là các kênh đầu tư tài chính cá nhân của Mayashare

Có 1 quy tắc như thế này trong tài chính cá nhân: “đừng bao giờ để tiền nằm im 1 chỗ”, dù muốn hay không thì đồng tiền sẽ mất giá theo thời gian và bạn nên có các chiến lược dùng tiền đẻ ra tiền.

Lúc này, đầu tư là hình thức hợp lý hơn cả nhưng có vô vàn các kênh đầu tư khác nhau và không phải cứ đầu tư là ra tiền mà cần phải có chiến lược.

Nhưng trước tiên bạn phải lựa chọn được và dưới đây sẽ là các kênh đầu tư tài chính mà bạn có thể tham khảo.

Lưu ý về các kênh đầu tư tài chính cá nhân

Có 1 vấn đề bạn cần phải lưu ý là các bài viết về chủ đề đầu tư trên Mayashare chỉ mang giá trị về thông tin, quyết định lựa chọn là ở bạn, nên đừng xem là lời kêu gọi hay công thức giúp bạn dẫn đến con đường thành công và giàu có.

Hãy nhớ là không có bất kỳ hình thức đầu tư an toàn nào, đầu tư luôn có rủi ro và khoản tiền mà bạn đầu tư luôn trong tâm thế là nếu mất nó đi vẫn không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn.

Đặc biệt làm ơn hãy nói không với việc cầm cố tài sản, vay mượn để lấy tiền đầu tư.

Cũng đừng nghe bất kỳ ai về việc bạn phải nên đầu tư vào đâu, tiền của bạn là do bạn quyết định và chịu trách nhiệm với nó.

Còn 1 vấn đề nữa là với những lời mời gọi về việc đầu tư ăn lãi suất mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi năm thì bạn nên cẩn thận, hãy luôn ghi nhớ 2 câu hỏi lớn sau:

  • Tiền ở đâu để họ trả lãi cho bạn?
  • Có gì “bảo vệ bạn” khi doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ?

Về cơ bản khi đầu tư thì sẽ luôn đúng với quy luật “tiền chảy từ túi thằng ngu sang túi thằng khôn”, khi bạn có tiền thì người khác mất tiền và ngược lại.

Khi bạn đã chắc chắn mình sẵn sàng về tư duy, kiến thức và cả tiền bạc thì đến với 6 kênh đầu tư sau đây.

6 kênh đầu tư không chắc giúp bạn giàu nhưng nó là cơ hội

Nếu bạn đang có tư duy là phải có tiền nhiều thì mới được quyền đầu tư thì nên loại bỏ ngay, vì ở đa số các kênh mà mình chia sẻ thì có bao nhiêu cũng có thể đầu tư được, miễn sao là có chiến lược thì bạn sẽ tăng được % cơ hội có lãi.

1. Gửi tiết kiệm

Đây là cách đơn giản và ăn chắc mặt bền nhất trong 6 kênh, bạn nên tham khảo qua lãi suất của các ngân hàng hiện nay để đưa ra lựa chọn thích hợp.

Nguồn: Money24h

Dựa vào số tiền mà bạn sẽ trích ra cho “quỹ tiết kiệm” cũng như nhu cầu và ước chừng xem trong tương lai gần sẽ có dự tính gì cần tiền không rồi hãy lựa chọn thời gian gửi tiết kiệm thích hợp.

Tuy nhiên, lời khuyên của mình là trong thời điểm nhạy cảm thế này thì bạn nên gửi khoảng từ 3-6 tháng là vừa, mức lãi sắp tới còn sẽ thay đổi nhiều nên bạn có thể cân nhắc thêm.

2. Đầu tư vàng

Đây được xem là kênh đầu tư được truyền từ thời này qua thời khác, có thể từ nhỏ bạn đã thường xuyên được bố mẹ hay người quen luôn miệng bảo “đi mua vàng trữ”, lúc đó chính là thời điểm mà họ dùng tiền mua vàng ở giá thấp và đợi giá cao bán ra, khoản ăn chênh lệch chính là lợi nhuận.

Điểm mạnh của kênh đầu tư này là bạn không lo sợ về tính thanh khoản, dù cho bạn mua giá cao hay giá thấp thì cũng vẫn tự tin là bán ra vẫn có người mua.

Nhược điểm lớn nhất có thể đến từ việc lưu trữ tài sản và độ an toàn.

Còn về lợi nhuận thì nếu bạn ôm 1 khoản tiền lớn với thời gian đủ lâu, 5-10 năm thì lợi nhuận có thể đáng kể, còn lại bạn có thể mua vào và bán ra để ăn chênh lệch.

3. Đầu tư chứng khoán

Có thể nói cứ mỗi 10 người được hỏi “bạn đầu tư gì?” thì sẽ có hết 9 người trả lời “tôi đầu tư chứng khoán”, điều đó cho thấy chứng khoán là kênh đầu tư lâu đời và phổ biến nhất.

Với kênh đầu tư tài chính này thì bạn sẽ dùng tiền của mình mua cổ phiếu, trái phiếu từ các doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nghĩa là bạn sẽ tham gia vào các doanh nghiệp này 1 cách gián tiếp và nếu công ty đó làm ăn thuận lợi, phát triển tốt thì khoản đầu tư của bạn cũng sẽ có lời.

Tuy nhiên, qua những vụ lùm xùm vừa rồi từ những “ông lớn” trên sàn chứng khoán Việt Nam thì chắc hết ai dám khuyên bạn là chỉ nên lựa chọn những doanh nghiệp lớn mà đầu tư nữa.

4. Đầu tư bất động sản

đầu tư bất động sản

Nghe đầu tư bất động sản thì ai cũng nghĩ chúng ta phải cần phải có số tiền lớn để mua nhà, mua đất rồi cho thuê hoặc bán khi giá tài sản lên và ăn chênh lệch.

Đúng là nó phổ biến thật nhưng bạn vẫn có cách đầu tư khi có ít tiền, đó là “bất động sản cho thuê”.

Bạn sẽ đi tìm kiếm những căn chung cư hoặc tiềm năng hơn là những nhà nguyên căn, bạn thuê và chia nhỏ phòng ra để cho người khác thuê lại.

Đây là cách đầu tư rất phổ biến ở các thành phố lớn hiện nay khi mà nhu cầu tìm kiếm thuê phòng đang ngày càng tăng cao.

Nhưng để trụ được và có được lợi nhuận thì bạn cũng cần phải tính toán thật kỹ, bạn cần phải khảo sát về vị trí, giá đất khu đó để nắm được giá trị căn nhà, dựa thêm vào số lượng phòng, điện nước, tiện ích… để thương thảo về giá mà bạn thuê mỗi tháng cũng như mà giá mỗi căn mà bạn sẽ cho người khác thuê lại.

5. Đầu tư Cryptocurrency

Cryptocurrency (tiền mã hóa) hay còn được biết đến với cái tên thân thương ở Việt Nam là tiền ảo, hay chỉ đích danh là Bitcoin.

Khỏi phải nói thì thị trường này được xem là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận khủng nhất trong các kênh đầu tư.

Nhưng rủi ro nó mang lại cũng “khủng” không kém, 1 đêm bạn có thể x2, x3, thậm chí là x100 lần giá trị tài sản nhưng để đạt đến cảnh giới này thì chỉ có quả thật đợi “ông bà độ”.

6. Đầu tư phim

Kênh đầu tư này thì bạn cần phải có một chút mối quan hệ trong ngành thì mới may ra có được cơ hội góp một chút tiền đầu tư để kiếm lợi nhuận.

Cơ bản là bạn chỉ cần xem kịch bản, đạo diễn của bộ phim, diễn viên rồi quyết định đầu tư tiền vào, phim ra mắt, kết toán và sau khi phim “đóng rạp” thì nếu phim có lãi thì bạn cũng sẽ có lãi, còn nếu phim thua lỗ thì… bạn cũng đã biết kết quả.

Người mới cần chuẩn bị gì trước khi đầu tư

Đây vẫn luôn là câu hỏi có nhu cầu tìm hiểu rất lớn với những bạn mới chưa có kinh nghiệm trong các kênh đầu tư.

Với kinh nghiệm bản thân thì mình đưa ra 6 ý như sau để bạn có thể tự lựa chọn được kênh phù hợp, đưa ra chiến lược để nhanh chóng có được lợi nhuận.

Luôn nhớ không vay mượn hay cầm cố tài sản để đầu tư.

Cải thiện kiến thức về kênh đầu tư

Như mình đã nói đầu tư đừng nghe theo ai cả, không ai cho không ai cái gì và chỉ có chính bạn mới cứu được bạn và để làm được điều đó thì cần phải cải thiện kiến thức về các kênh mà bạn quyết định đầu tư.

Bạn cứ học từ những thứ cơ bản nhất, trải nghiệm, sai và sửa, sau dần thì nâng lên những kiến thức cao hơn khi đã có được lãi.

Và hãy nhớ câu này: “mọi bài học đều đến từ sai lầm và sự trả giá”.

Tuyệt đối đừng nên học dồn dập 1 lần và mong nhanh thành triệu phú, không có chuyện này đâu!

Luôn cập nhật thông tin

Trong đầu tư thông tin cực kỳ quan trọng, bạn phải biết cách săn được tin sớm nhất, vì giá lúc nào cũng đi trước tin hết, khi tin đã viral thì được xem là khá muộn để bạn đưa ra quyết định.

Còn vấn đề nữa là bạn nên biết cách chắt lọc tin chất lượng vì tin giả nhằm mục đích tạo FOMO trong thị trường tài chính là rất nhiều, thậm chí những nguồn tin lớn vẫn có những trường hợp này.

Kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý

Như mình đã nói bạn không cần phải có sẵn “1 cục tiền” mới có thể đầu tư, mà bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với những con số nhỏ như $100, $200, sau có thể nâng dần lên nhưng nên ở trong phạm vi an toàn.

An toàn ở đây chính là trong vùng kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. Bạn cần phải biết tổng thu nhập 1 tháng là bao nhiêu, thu chi ra sao, số tiền có thể bỏ ra cho kênh đầu tư thế nào…

Nếu bạn chưa biết cách thì xem bài viết này.

Kiên nhẫn và quyết đoán

Kiên nhẫn ở đây chính là việc bạn phải biết cách chờ đợi thời điểm mua và bán thích hợp, mặc cho tin xấu liên tục đến, nhưng nếu bạn tự tin với kiến thức, thông tin bản thân đang có thì cứ mặc ai nói gì nói.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những trường hợp bạn buộc phải “chấp nhận lỗ” để bảo toàn danh mục đầu tư của mình, lúc này thì cần đến sự quyết đoán.

Luôn có chiến lược giảm thiểu rủi ro

Đầu tư luôn có rủi ro và việc của bạn là không thể nào tránh được rủi ro và chỉ có cách là “giảm mức độ sát thương tối thiểu” khi bạn gặp nó.

Về chiến lược thì tùy vào khẩu vị của mỗi người cũng như nguồn tiền, các kênh đầu tư, nhưng bạn có thể tham khảo cách này:

Nếu như kênh A của bạn có dấu hiệu lãi đậm thì bạn có thể cắt bớt 1 phần lỗ của kênh B (nếu như có dấu hiệu quá xấu) qua kênh A để bù đắp cho phần kênh B cũng như tăng mức lợi nhuận cho kênh A.

Tạm Kết

Trên đây là các kênh đầu tư tài chính mà dòng tiền của mình đang chảy mỗi tháng, luân phiên giữa các kênh với nhau để tạo được lợi nhuận.

Xin nhắc lại thì đó chỉ là góc nhìn của mình và bạn chỉ nên dừng ở mức độ tham khảo, xin đừng làm theo vì mình không cam kết bạn sẽ có lãi khi bạn bỏ tiền vào bất kỳ kênh nào ở trên.

Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại ở những bài viết tiếp theo!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận