Với riêng mình thì Tiktok chỉ giúp bạn tăng độ nhận diện thương hiệu, còn nếu bạn muốn đi đường dài và ra được chuyển đổi tốt thì Youtube vẫn chưa bao giờ là cái tên “lỗi thời” cả.
Mặc dù sắp tới có thể Youtube sẽ đẩy mạnh các short video nhưng nhìn chung rất khó cạnh tranh lại với Tiktok ở thời điểm hiện tại.
Còn ở phía Tiktok, có thể thấy tham vọng muốn mở rộng thị phần sang cả những nội dung dạng dài thay vì ngắn như trước khi đã tăng thời gian mỗi video đăng tải trên kênh lên 10 phút, nhưng sân chơi này thuộc về Youtube.
Mặc dù mình và team đã hỗ trợ rất nhiều kênh tiktok phát triển lên 100.000 follow, thậm chí là 6.000.000 follow, nhưng nơi mà mình gửi gắm thương hiệu Mayashare lại đến từ Youtube và chuyển đổi mang lại là cực kỳ tốt.
Ở bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách xây dựng kênh Youtube từ con số 0, quy trình mà mình đã áp dụng cho nhiều kênh trước đây cũng như là Mayashare nói riêng.
Mục tiêu chính khi xây dựng kênh Youtube
Đầu tiên bạn phải xác định mục tiêu, định hướng khi xây dựng kênh Youtube để tìm ra domain chính cho kênh.
Ví dụ:
- Mục tiêu của bạn là muốn kéo traffic về website, phủ sóng thương hiệu cá nhân hay sẽ kiếm tiền trực tiếp trên kênh với các hình thức affiliate/referral, google adsense, booking…
- Định hướng của bạn là về kinh doanh và muốn xây dựng những nội dung chia sẻ kiến thức chuyên ngành và xây dựng thương hiệu cá nhân qua những vlog thường ngày, đi du lịch…
- …
Việc tìm được mục tiêu và định hướng ngay từ đầu như vậy sẽ trước mắt giúp bạn định hình rõ hơn về hướng phát triển cho kênh trong từng giai đoạn, quan trọng nhất là ở giai đoạn đầu.
Từ đó từng chủ đề về nội dung trên kênh cũng sẽ được phân chia 1 cách khoa học và bài bản hơn, giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu đưa ra ban đầu.

Biết được thế mạnh của bản thân
Thế mạnh bản thân ở thời điểm hiện tại bạn có gì thì tập trung khai thác vào đó.
Ví dụ: Mình có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc sáng tạo nội dung bằng video, thì mình sẽ dựa vào đó chia sẻ những kinh nghiệm liên quan về việc làm nội dung như thế nào là viral trên các nền tảng, hiển nhiên là mình luôn kèm theo case study.
Còn những khía cạnh khác thuộc về kỹ năng như ngồi trước camera, lên kế hoạch nội dung, hay thuộc phạm trù về kỹ thuật như tối ưu SEO để tăng traffic cho kênh… thì bạn có thể vừa làm vừa học.
Quy trình xây dựng kênh Youtube từ con số 0
Khi bạn đã có được mục tiêu, định hướng, tìm được domain riêng cho mình, hiểu được thế mạnh của bản thân thì bắt tay luôn vào việc thực hành.
Những thông tin cơ bản
Mình sẽ bỏ qua những thứ quá cơ bản về chi tiết như tạo kênh thế nào, cách đặt tên ra sao, khai báo thông tin,… đây là những cái mà bạn hoàn toàn có thể tự tìm được trên Google.
Ở đây mình chỉ note lại cho bạn về việc tối ưu từng đầu mục như thế nào là đủ và tiến dần đến bước đạt được những kết quả đầu tiên, cụ thể:
- Phần giới thiệu bạn cứ tập trung giới thiệu vào những keyword chính theo thế mạnh mà bạn đang có.
- Liên kết đến các mạng xã hội mà bạn đang hoạt động, nếu có thêm website thì càng tốt.
- Ảnh đại diện thì cách tốt nhất để đồng bộ hóa về mặt nhận diện thương hiệu thì bạn nên đồng nhất tất cả những mạng xã hội mà bạn đang hoạt động với 1 ảnh đại diện duy nhất.
- Về phần ảnh bìa của kênh bạn cũng nên lưu ý về phần kích thước, nên tối ưu theo kích thước mà cả trên mobile và máy tính đều thấy được toàn bộ nội dung trong ảnh bìa này.
Đó là những thông tin cơ bản bước đầu mà bạn cần phải khai báo hết trên kênh.

Lên kế hoạch và chiến lược đi nội dung
Phần này cần nhiều thời gian về research (nghiên cứu) nên bạn cũng đừng nản, làm càng tốt bạn càng khỏe sau này, không sợ bị bí ý tưởng mà về mặt tối ưu SEO cũng sẽ hiệu quả.
Quy trình như sau:
- Dựa vào các domain chính đã có từ đầu bạn sẽ chia nhỏ ra thành từng keyword khác nhau.
Ví dụ: Từ Social Media thì bạn sẽ có thể cho ra những keyword khác liên quan về hình thức và các cách kiếm tiền trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok… hay thậm chí là các nền tảng khác như website… - Tất cả những keyword mà bạn có ở bước trên chỉ mới là phỏng đoán cá nhân, để chắc ăn hơn về việc có ai tìm kiếm chúng mỗi tháng không và tỷ lệ cạnh tranh ra sao thì bạn cần phải có sự hỗ trợ của tool “nghiên cứu từ khóa”, mình hay dùng keywordtool và VidIQ.
- Khi bạn dùng tool research 1 từ khóa thì hệ thống sẽ gợi ý thêm rất nhiều từ khóa liên quan và để có được 1 từ khóa chính thì bạn cứ tập trung vào những keyword có search volume trên 500 và tỷ lệ cạnh tranh (competition) dưới 20 hoặc thấp hơn nữa càng tốt (đó là thời gian đầu).
- Bạn sẽ gom chúng lại thành 1 chủ đề tương ứng với 1 video trên Youtube và cứ tương tự như vậy mà bạn làm cho đến khi đủ số lượng content bạn build trong 3-6 tháng.
- Bạn có thể gom thêm những từ khóa liên quan từ Google và sử dụng thêm tool VidIQ để có được bộ từ khóa chất lượng hơn. Nói thêm về VidIQ, đây sẽ là công cụ bạn dùng luôn trong việc tối ưu SEO cho từng video đăng tải trên kênh.
- Tỷ lệ cạnh tranh sẽ có mức dao động và tool thường sẽ hiển thị không chính xác, vì vậy mà bạn nên có thêm bước research thủ công, bằng cách tìm từ khóa chính trong ô tìm kiếm trên Youtube. Dựa vào những kết quả đầu tiên về lượt người xem cũng như thời gian up video các kênh mà bạn sẽ có bước tối ưu nội dung hiệu quả hơn cho video trên kênh mình.

Đó là về quy trình mà mình áp dụng chung cho các kênh Youtube mà mình từng làm nhưng đó là thời gian đầu, còn khi kênh bạn đã được ăn đề xuất nhiều từ Youtube và có được lượng sub ổn định, thường là trên 50k sub thì bạn không cần tập trung quá nhiều vào việc SEO nữa, mà chỉ cần làm tốt khâu tìm được từ khóa chính.
Từ những keyword chính đó bạn hoàn toàn có thể biến tấu thêm những video liên quan, chẳng hạn như dạng vlog thường ngày, kết hợp 80% content (tập trung SEO) và 20% content (tự biến tấu), và số % này sẽ dao động theo lượng sub kênh bạn và hãy nhớ thường xuyên theo dõi phần report kênh để biết kênh mình có đang được ăn đề xuất nhiều hay không để tối ưu lại về kế hoạch.
Bắt đầu thực hành
Khi bạn đã có được nội dung quay liên tục trong 3-6 tháng thì bắt tay vào bước thực hành.
Thời gian đầu cố gắng mỗi tuần 2 video trên kênh và nó sẽ tương ứng với 8 video mỗi tháng.
Đây chính là khoảng thời gian cực kỳ tốt để bạn tạo được tín hiệu về mặt SEO cho kênh trên kết quả tìm kiếm của Youtube và cả Google.
Thời gian cần để 1 video lên được top từ khóa trên Youtube ít nhất là 2-3 tháng, thậm chí là hơn, tùy vào search volume và tỷ lệ cạnh tranh, hơn hết là nếu bạn cạnh tranh với những kênh quá lớn thì thời gian sẽ còn lâu hơn và bạn cần phải có thêm những chiến lược khác để có thể vượt qua được những đối thủ “khó xơi” này.

Vượt qua được rào cản
Nếu như bạn là người chưa từng bao giờ ngồi chia sẻ trước máy quay hay chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, thương hiệu cá nhân thì thời gian đầu gần như là rất nản, 1-2 tháng thì tầm 90% sẽ bỏ cuộc khi thấy kênh không phát triển.
Lúc này bạn cần phải ổn định lại về tinh thần và tư duy, vì Youtube không như Tiktok, để 1 kênh có thể phát triển lên 10k sub là cả 1 hành trình khá gian nan.
Ở 1 vài trường hợp có được cá tính riêng mà nhiều user trên Youtube thích thú thì có thể kênh đó lên rất nhanh, hoặc nếu bạn đã có được thương hiệu cá nhân trên các nền tảng khác thì thời gian cũng sẽ rút ngắn đi rất nhiều.
Sự chuẩn bị tốt nhất là không cần gì cả
Rất nhiều lầm tưởng là làm Youtube nào là phải có máy quay xịn trăm củ, micro ngon chục củ, bối cảnh đẹp như penthouse… thì mới bắt đầu làm Youtube và có người xem.
Nhưng không! Nhiều kênh Youtube trên thế giới đã phát triển lên hàng triệu người đăng ký chỉ với những thiết bị rất đơn giản, như là điện thoại để quay và micro giá rẻ (miễn thu được là dùng).
Đơn giản là bạn chỉ cần tập trung làm tốt những bước sau, đừng quá chú trọng vào những thứ xa xỉ:
- Ánh sáng: Bạn cần có thêm ánh sáng để làm nổi bật chủ thể chính trong video (key light), cái này bạn chỉ cần sắm đèn livestream là đủ. Bạn có thể tô màu thêm cho backgroud phía sau (back light) bằng một vài đèn màu nhỏ, mua vài chục nghìn trên Shopee là có.
- Âm thanh: Nếu bạn đang dùng Iphone đời mới thì hoàn toàn có thể quay trực tiếp bởi vì chất lượng âm thanh từ những chiếc Iphone đã là quá đủ. Còn nếu đầu tư hơn thì có thể sắm micro cài áo vài trăm nghìn, gợi ý bạn luôn là có thể dùng hàng của Boya.
- Camera: Nếu bạn có sẵn những chiếc máy cơ thì quá tuyệt vời, còn không có thì chiếc camera tốt nhất nó đang nằm trong túi của bạn, đó là những chiếc điện thoại bạn dùng mỗi ngày, miễn sao bạn dùng những chiếc smartphone đời trên năm 2019 đến nay là đã quá đủ.
Xin nhắc lại là những trang thiết bị không cần quá mắc tiền, cái người dùng muốn xem và theo dõi bạn chính là phần nội dung bên trong.
Sau này khi bạn đã kiếm được tiền với kênh Youtube rồi thì có thể đầu tư sau, thời gian đầu thì có gì chơi đó.

Hiểu được thị trường, biết được đối thủ
Research (nghiên cứu) luôn là bước cực kỳ quan trọng trong mọi chiến dịch, từ thị trường cho đến đối thủ cạnh tranh từ nhỏ cho đến lớn.
Thị trường ở mỗi nền tảng đều sẽ có cách khai thác khác nhau và cả đối thủ cũng vậy nhưng với mình thì Youtube đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ cần tập trung vào các yếu tố sau:
- Cùng 1 từ khóa thì có bao nhiêu kênh đang làm.
- Cùng 1 nội dung thì các kênh có lượt xem bao nhiêu, phân tích thêm về lượng sub của mỗi kênh vì traffic có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như đề xuất từ Youtube hay sẽ đổ về từ những nền tảng mạng xã hội khác.
- Những video chứa từ khóa chính đó thì đã bao lâu rồi họ chưa cập nhật nội dung mới.
- Trong mỗi video thì các đối thủ họ đang đi bố cục thế nào, những ý nào họ chưa khai thác và làm tốt thì chúng sẽ đi đào sâu vào đó.
- …
Cách để kênh Youtube phát triển
Tương tự như các nền tảng khác thì về cơ bản bạn cũng sẽ có 2 hướng sau để phát triển được kênh Youtube:
- Free traffic: là cách kéo lượt truy cập vào kênh bằng những cách không tốn bất kỳ 1 đồng xu nào.
- Paid traffic: bạn bỏ tiền ra để chạy quảng cáo, có thể chạy trực tiếp trên Youtube, Google, Facebook… nhìn chung tùy vào thương hiệu, nền tảng mà bạn đang có mà lên chiến lược chạy để kéo traffic về kênh.
Ở đây mình sẽ không nói về Paid traffic, mà sẽ tập trung khai thác vào Free traffic.
Về Free traffic thì sẽ có: SEO (mình đã chia sẻ ở trên), ăn đề xuất từ Youtube (cái này phải có ông bà độ), kéo từ những nền tảng khác (nếu bạn có sẵn các kênh khác thì chỉ cần share link để kéo traffic về).
Đó là những cách cơ bản, tiếp tục mình sẽ share thêm về 4 cách sau để bạn khai thác thêm:
- Kết hợp với website: Bạn sẽ tối ưu SEO website và kết hợp với SEO Youtube, lên rất nhanh và thời gian bạn trụ được top cả Google và Youtube cũng sẽ rất lâu, trừ khi có ai đó làm tốt hơn và thương hiệu của họ lớn hơn bạn.
- Seeding: Bạn sẽ đi chia sẻ ở những cộng đồng liên quan nhằm mục đích để người khác biết đến bạn, biết đến lĩnh vực bạn đang hoạt động, đây chính là những nguồn traffic rất chất lượng. Nhưng cần phải có kế hoạch bài bản, còn không rất dễ bay màu trong các cộng đồng này.
- Backlink: Nghĩa là bạn sẽ tạo những bài viết và nhúng video của bạn vào, sau đó đặt chúng ở trên những website liên quan hoặc thậm chí những nguồn báo uy tín để tăng độ nhận diện thương hiệu, giúp ranking khá tốt cho keyword. Tuy nhiên, việc này khá tốn kém và không dành cho những bạn ít kinh nghiệm.
- Youtube Short: Thời gian gần đây Youtube đầu tư rất nhiều cho video ngắn và việc viral cũng sẽ nhanh hơn so với các video dài (video dưới 1 phút), thậm chí sắp tới các content creator còn có thể kiếm được tiền từ những chiếc video này. Đây cũng là cách để phát triển được kênh nhanh.

Tạm Kết
Nhìn chung, với 1 kênh Youtube thời gian đầu bạn đừng quá cầu toàn trong mọi thứ, chỉ cần nghiêm túc đầu tư thời gian, công sức và chất xám cho kênh, quan trọng nữa là phải duy trì làm liên tục thì sớm muộn quả ngọt cũng sẽ đến.
Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo!