Nội dung
(Hướng dẫn) 4 bước đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu A-Z

(Hướng dẫn) 4 bước đầu tư Crypto cho người mới bắt đầu A-Z

Trở thành triệu phú đô la trẻ tuổi.

Nghỉ việc văn phòng và mua nhà, mua xe sau vài tháng đầu tư vào crypto.

… hay những câu chuyện “biết khóc” như

Trắng tay sau 1 đêm

Cầm sổ đỏ đầu tư và chỉ còn cái nịt

Đó là những tiêu đề mình bịa ra, nhưng về phần nội dung câu chuyện thì là có thật và mọi thứ đều xoay quanh việc “Đầu tư crypto”.

Rất nhiều người trở thành triệu phú chỉ sau vài dự án, nhưng cũng có người đang từ có tất cả rồi trắng tay như chưa từng có sự thành công nào trước đây cả.

Crypto (cryptocurrency), gọi đúng nghĩa tiếng Việt là tiên mã hóa hoặc tiền kỹ thuật số, nhưng được nhiều người ở Việt Nam mình gọi nhiều với cái tên là tiền ảo.

Về bản chất crypto không xấu, chỉ có những người lợi dụng nó, lòng tham không có điểm dừng mới biến crypto thành “kẻ xấu”.

Vì vậy ở bài viết này, ngoài việc định hướng, hướng dẫn cho người mới đầu tư crypto thì mình còn sẽ giúp bạn thấy được thêm nhiều góc nhìn khác trong thị trường.

Hiểu bản chất Blockchain và Crypto

Phần lớn các bạn lao vào Crypto như con thiêu thân khi nhìn thấy quá nhiều tiền tự sự thành công của người khác.

Nhưng khi hỏi ra có biết blockchain là gì không? Mình nhận được câu trả lời hú hồn – “Blockchain là Bitcoin…”.

Bạn không cần phải là người hiểu tường tận về mặt kỹ thuật, vì có muốn cũng không thể nào hiểu được.

Chỉ cần hiểu và phân biệt được bản chất giữa Blockchain, Cryptocurrency và Bitcoin là đủ.

  • Blockchain: nó là cơ sở dữ liệu phân tán ngang hàng, mỗi dữ liệu ở đây sẽ được đóng thành dạng khối có cấu trúc và liên kết với nhau.
    Hiểu đơn giản nữa thì đây là công nghệ cốt lõi của Cryptocurrency hay Bitcoin nói riêng, không ai có thể can thiệp, chỉnh sửa, xóa bỏ được các giao dịch đã được phát sinh trên Blockchain.
  • Cryptocurrency (Crypto): là tiền mã hóa hay còn được gọi là tiền kỹ thuật số được tạo ra bởi những thuật toán phức tạp và Blockchain chính là “bộ não” đứng sau.
    Vì vậy mà Crypto kế thừa những ưu điểm về việc không bị kiểm soát bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, nhưng về việc thao túng giá thì có.
  • Bitcoin: đây là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thị trường, mở ra kỷ nguyên của Crypto và rất nhiều đồng tiền mã hóa khác đã được tạo ra, bao gồm cả Bitcoin trong đó thì sẽ gọi chung là Cryptocurrency.

Đó chỉ dừng ở mức độ là hiểu bản chất để phân biệt được, còn chi tiết hơn thì ở từng đầu mục mình có để đường link các bài viết mà mình thấy là chất lượng để bạn có thể xem chi tiết hơn về từng khái niệm.

Xác định dạng đầu tư và vốn bỏ ra

Hình thức đầu tư

Về cơ bản thì dạng đầu tư sẽ có 2 hướng như sau:

  • Đầu cơ: là hành động mà bạn sẽ mua 1 tài sản và hy vọng sẽ có lợi nhuận trong thời gian ngắn, thường là vài tuần hoặc vài tháng.
  • Đầu tư: cũng tương tự việc mua 1 tài sản và hy vọng chúng có giá trị trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng xu hướng là dài hạn, thời gian thường kéo dài theo năm.

Với 1 thị trường biến động và đầy rủi ro như crypto thì theo mình bạn nên lựa chọn theo hướng đầu cơ tầm vài tháng.

Qua những sự việc của Terra rồi đến FTX thì giờ đây không còn ai quá tin tưởng vào bất kỳ 1 đồng tiền mã hóa nào, dù cho nó có thuộc hàng top có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Theo mình thì nếu bạn muốn đầu tư lâu dài thì cứ Bitcoin và Ethereum, bởi vì mình tư duy thế này: 1 trong 2 đồng này mà bị xóa sổ thì thị trường crypto cũng gần như là cầm chắc “cửa tử” (ở hiện tại).

Vốn bỏ ra

Còn về nguồn vốn bỏ ra thì dựa vào khả năng của mỗi người, nhưng bạn hãy chắc chắn là số tiền đó nếu có mất thì nó không ảnh hưởng quá nhiều vào cuộc sống của bản thân.

Nghĩa là bạn phải đảm bảo bản thân và gia đình vẫn có được cơm ăn ngày 3 bữa, bản thân vẫn có công việc kiếm ra tiền mỗi tháng, đó là mức tối thiểu.

Để có được vốn đầu tư thì bạn hãy dựa vào khả năng tạo ra thu nhập của bản thân mỗi tháng, trong tổng đó sẽ trừ ra các khoản khác để sống, số còn lại có thể cần nhắc chia thành % cho việc đầu tư.

Chi tiết hơn bạn có thể tham khảo các bài viết sau đây mình đã từng chia sẻ ở trên Mayashare:

Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi về tư duy khi đầu tư, đặc biệt là với thị trường như crypto thì bạn không cần phải có cục tiền lớn mới có thể tham gia.

Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với con số $100 hay thậm chí là vài chục $ vẫn có thể đầu tư được.

4 bước đầu tư crypto cho người mới bắt đầu

Những thao tác về mua/bán không khó, ai cũng có thể làm được, cái quan trọng là sự cẩn thận trong từng giao dịch, nên phần này mình sẽ lướt nhanh qua bằng hình ảnh minh họa cho từng bước.

Bước 1: Chọn 1 sàn giao dịch đủ uy tín

Hiện tại lời khuyên duy nhất của mình là nếu bạn giao dịch mua bán bất kỳ 1 đồng tiền mã hóa nào thì cứ chọn Binance.

Đây là 1 trong những sàn giao dịch crypto top 1 thế giới ở thời điểm hiện tại.

Qua bao nhiêu sự kiện xảy ra thời gian gần đây thì mình không còn dám đặt niềm tin quá nhiều vào bất cứ 1 sàn giao dịch nào nữa, vấn đề này mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn ở phần cuối bài viết.

Binance là sàn giao dịch crypto top 1 thế giới hiện tại.

Bước 2: Tạo tài khoản

Để đăng ký thì bạn có thể tải app trên CH Play hoặc App Store, tìm từ khóa Binance, tải đúng ứng dụng về máy.

Hoặc bạn cũng có thể vào website Binance để đăng ký và thao tác trên đây.

Bạn khai báo chính xác những thông tin như là email hoặc số điện thoại.

Tiếp theo quan trọng là bạn cần hoàn tất xác minh danh tính nữa là xong. Bạn có thể xem hướng dẫn ở đây.

Ngoài ra, nên tăng cường thêm lớp bảo mật cho tài khoản bằng những mẹo sau đây.

Bước 3: Giao dịch mua bán crypto

Với 1 người mới thì sẽ có 2 cách sau để có thể mua được tiền mã hóa trên Binance.

  • Mua bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: để sở hữu loại thẻ này thì bạn cứ ra ngân hàng gần nhất và đăng ký, có thẻ tín dụng là bạn phải chứng minh thêm về phần tài chính để có được hạn mức chi tiêu phù hợp trong thẻ. Sau khi có thẻ, bạn chỉ cần add thẻ vào và làm theo hướng dẫn ở đây.
  • P2P (Peer-to-Peer): Hiểu đơn giản thì ở cách này bạn sẽ mua tiền mã hóa từ người khác và sẽ thông qua hình thức bạn chuyển khoản – Binance trung gian – người bên kia chuyển tiền mã hóa cho bạn.

Để sở hữu tiền mã hóa thì đó là 2 cách cơ bản nhất dành cho người mới.

Xem chi tiết: Hướng dẫn từng thao tác mua bán trên Binance.

Có 1 vài lưu ý bạn cần phải ghi nhớ khi giao dịch P2P:

  • Số lượng giao dịch: Là con số giao dịch mà đối tác đã thực hiện, bao gồm cả tỷ lệ hoàn thành, càng cao càng tốt.
  • Thời gian cho 1 giao dịch: Hiện tại Binance đang cho phép người dùng cài đặt khoảng thời gian dao động trong 15 phút cho đến 6 tiếng, bạn cần phải để ý nếu muốn giao dịch nhanh chóng mà chọn phải giao dịch có thời gian thanh toán 6 tiếng thì đợi “mòn răng”.
  • Điều kiện từ phía đối tác: Mỗi đối tác sẽ có các yêu cầu khác nhau nên bạn lưu ý làm theo, nếu làm không đúng thì khả năng cao giao dịch sẽ bị treo và bị hủy hoặc nếu có tranh chấp cũng rất khó dành phần thắng và có thể là sẽ mất tiền.
  • Nội dung chuyển khoản: Phần này cần đặc biệt lưu ý, mỗi giao dịch sẽ được cung cấp 1 dãy số khác nhau và bạn cần phải để trong phần nội dung chuyển khoản (bắt buộc) và không được để bất kỳ nội dung nào liên quan đến mua bán tiền mã hóa. Nếu bạn làm sai thì giao dịch có khả năng cao là sẽ bị ngân hàng giữ lại và điều tra nếu như số tiền lớn.
  • Người mua nhớ bấm chọn “đã chuyển tiền”: Sau khi bạn đã chuyển tiền để mua tiền mã hóa thì nhớ bấm chọn nút “đã chuyển tiền” trước khi thời gian hết hạn. Nếu bạn quên bấm thì giao dịch sẽ bị hủy và xấu hơn nữa bạn sẽ bị mất luôn số tiền đó.

Bước 4: Chuyển tiền từ ví này sang ví khác

Về cơ bản thì bạn cần phải biết thêm 1 thao tác nữa sau khi đã mua được tiền mã hóa, đó là chuyển tiền từ ví này sang ví khác.

Bạn có thể chuyển nội bộ trong sàn, hoặc chuyển tiền ra ví ngoài sàn, chuyển đâu cũng được, thao tác đều như nhau.

Có 2 việc bạn cần lưu ý như sau:

  • Địa chỉ ví: phải thật chính xác, chỉ cần sai 1 ký tự hay có một dấu cách giữa 2 ký tự thôi là tiền của bạn cũng sẽ mất luôn.
  • Mạng lưới: Bạn phải đảm bảo là bạn chọn đúng mạng lưới với bên nhận để tránh bị mất tiền.
    Ví dụ: Bên nhận chọn mạng lưới là BEP20 thì bạn cũng phải chọn đúng là BEP20.

Nên nhớ tính chất của Blockchain là không ai có thể can thiệp được, nên khi bạn phạm sai lầm, giao dịch bị treo thì tiền đó xem như mất.

Nguồn: Binance

Nơi lưu trữ

Khi bạn bỏ 1 số tiền để đầu tư vào crypto thì ai cũng sẽ có 1 nỗi lo chung, đó là sợ hacker, sợ mất tiền.

Vì vậy mà bạn sẽ có 2 lựa chọn để lưu trữ tài sản của mình, đó là :

  • Ví nóng: Đây là loại ví mà bạn có thể sử dụng để gửi, nhận, lưu trữ các loại tiền mã hóa, dùng miễn phí trên các thiết trên các thiết bị công nghệ và phải có Internet mới có thể sử dụng được.
    Ngoài ra, ví nóng sẽ được chia thành 2 loại khác đó là ví trên các sàn giao dịch và ứng dụng ví phần mềm mà bạn sẽ phải tải và dùng trên thiết bị công nghệ của mình.
  • Ví lạnh: Đây là loại ví mà mình khuyến nghị bạn nên sử dụng nếu nhu cầu đầu tư lâu dài vài năm với số tiền lớn.
    Nó là 1 thiết bị vật lý nhìn giống chiếc USB cầm tay và hiển nhiên là nó không miễn phí.
    Để sử dụng thì bạn phải cắm nó vào thiết bị công nghệ của mình mới có thể chuyển/nhận tiền được và không cần phải dùng đến Internet nên có thể đảm bảo được phần nào về tính bảo mật, nhưng thiết bị bạn sử dụng để “cắm” ví lạnh vào cần phải đảm bảo.

Đến đây nếu bạn vẫn còn phân vân chưa biết dùng loại ví nào thì mình sẽ đưa ra vài lựa chọn sau, bạn xem nhu cầu hiện tại của bản thân sẽ phù hợp với loại nào:

  • Ví nóng: nên dùng nếu như bạn chỉ giao dịch số tiền nhỏ và đặc biệt là nhu cầu về đầu cơ, lướt sóng trong thời gian ngắn.
  • Ví lạnh: nếu như bạn cần 1 nơi để lưu trữ 1 số tiền lớn trong dài hạn, khoảng vài năm thì đây là lựa chọn không gì phù hợp hơn.

Một lời khuyên trị giá hàng triệu USD nữa là sau những vụ phá sản của các ông lớn như Terra hay FTX thì bạn không nên để tiền ở các ví trên sàn quá nhiều, thay vào đó nên lựa chọn ví nóng phần mềm hoặc kết hợp thêm ví lạnh.

Cách kiểm tra giá trị 1 đồng coin

Để kiểm tra giá của 1 đồng coin thì bạn sẽ có nhiều cách khác nhau.

Nếu bạn đã mua tiền mã hóa trên Binance thì có thể xem trực tiếp ngay trên app.

Hoặc nếu vì 1 vấn đề nào đó bạn muốn kiểm tra giá mà không có điện thoại trong người thì có thể check nhanh qua 2 website: coinmarketcap hoặc coingecko.

Giá trị và vốn hóa ở các nơi sẽ có chênh lệch nên bạn không cần phải thắc mắc quá nhiều khi gặp vấn đề này khi kiểm tra giá của 1 đồng coin.

Đầu tư crypto có hợp pháp ở Việt Nam?

Những đồng tiền như VND của Việt Nam hay đồng USD của Mỹ được gọi là tiền pháp định và chúng đại diện cho cả 1 quốc gia, nó được tạo và kiểm soát bởi các chính phủ.

Nhưng vì crypto không thể nào bị kiểm soát nên rất khó cho việc có thể hợp pháp hóa chúng vào đời sống của người dân.

Hiện tại chỉ có 2 quốc gia dám làm điều này đó là El Salvacor và cộng hòa Trung Phi.

Còn nói riêng ở Việt Nam thì luật pháp cũng đã cho biết Bitcoin không được xem là 1 hình thức thanh toán hợp pháp ở trong nước, vì vậy mà việc bạn dùng Bitcoin để mua sắm và sử dụng trong cuộc sống thường ngày sẽ được xem là phạm pháp.

Nhưng việc bạn giao dịch mua bán quy đổi từ Bitcoin ra VND thì có thể được.

Tuy nhiên, dạo gần đây chính phủ đã liên tục nhắc đến việc nhiều cá nhân đang lợi dụng Crypto cho các hành vi rửa tiền quy mô lớn.

Vì vậy mà sắp tới có thể sẽ có những sự điều chỉnh để chính phủ có thể giảm được tình trạng này và rất có thể việc đánh thuế là có thể xảy ra.

Xem thêm: luật pháp về Bitcoin ở Việt Nam hiện tại

Mua coin nào để lời?

Mỗi coin đều sẽ có “điểm chạm” lợi nhuận, nghĩa là nó sẽ có lúc lên lúc xuống, quan trọng là thời điểm bạn vào có mang lại lợi nhuận cho danh mục đầu tư của mình hay không.

Mình không thể nào trả lời chính xác được câu hỏi này và ngay cả bản thân mình còn sấp mặt rất nhiều với các dự án mà mình đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm downtrend như hiện tại.

Quan trọng là bạn phải có niềm tin, dù cho niềm tin đó trong tương lai có thể sai.

Trong thời điểm mà nhiều người sợ hãi thì chính là thời điểm thích hợp để bạn tìm được dự án tiềm năng và tích lũy.

Sẽ có 3 lời khuyên sau đây mà mình có thể đưa ra vào thời điểm này:

  • Phân bổ danh mục đầu tư theo từng cấp độ: An toàn (đầu tư dài hạn), rủi ro (đầu tư trung hạn) và siêu rủi ro (ngắn hạn và khoản này nên chiếm ít nhất trong danh mục của bạn).
  • Stablecoin: Chuẩn bị sẵn 1 lượng stablecoin để bạn có thể DCA bất cứ lúc nào, nhưng cách này chỉ phù hợp với các trader, những người cả ngày sẽ phải theo dõi tin tức, độ biến động thị trường và cả chart.
  • Phân bổ vốn đầu tư: Thời điểm downtrend như hiện tại thì số tiền mà bạn trích ra trong tổng thu nhập 1 tháng nên chiếm ít nhất trong các khoản còn lại, tập trung vào công việc chính, tầm nhìn là nên có nhưng cũng cần hạn chế rủi ro.

Nói vậy không có nghĩa là mình khuyên bạn “bắt buộc phải đầu tư vào crypto” và 2 phần cuối bài viết này mình sẽ chia sẻ thêm vài góc nhìn để bạn tự đưa ra được lựa chọn cho bản thân.

Chiến lược hạn chế rủi ro

Trong bất kỳ 1 kênh đầu tư nào thì sẽ luôn tiềm ẩn nhiều cấp độ rủi ro khác nhau, việc bạn cần làm là phải có biện pháp và chiến lược khi rủi ro đó “ập đến” với bản thân.

Đầu tư crypto là hình thức mà được đánh giá là siêu rủi ro so với các hình thức đầu tư khác, cho nên bạn muốn tồn tại được thì đừng chăm chăm vào phần lợi nhuận mình kiếm được.

Song song với đó nên tính đến việc khi mà danh mục đầu tư của mình lỗ thì nên cắt lỗ ở thời điểm nào hay sẽ trung bình giá thế nào để hạn chế những kịch bản xấu nhất diễn ra.

Ví dụ: Thay vì bạn lỗ 2 đồng thì bạn có thể sẽ lỗ đến 10 đồng hay thậm chí là mất trắng số tiền đã đầu tư nếu không có chiến lược giảm thiểu rủi ro (hay còn gọi là tìm đường lui cho bản thân).

Sẽ có 2 việc bạn cần phải kiểm soát thật tốt trong thị trường này:

  • Tâm lý: Để quản trị được cảm xúc khi bạn “ăn nhẹ” và “lỗ đậm” (thậm chí là ngược lại), mỗi kịch bản xảy đến đều sẽ mang lại nhiều xu hướng tâm lý khác nhau mà bạn cần phải làm chủ thật tốt. Lãi rồi thì phải biết cắt, để lâu sẽ thành lỗ hay lỗ rồi thì cũng phải biết cắt, còn không thì còn cái nịt.
    Giải pháp ở đây chỉ đến từ việc bạn có chiến lược, bạn đã đổ máu trên thị trường đủ lâu thì tự khác bạn sẽ bị “chai lì” về mặt cảm xúc.
  • Hạn chế FOMO: Mình dùng từ “hạn chế” thay từ “tránh” bởi vì mình biết chắc chắn không ai là không bị FOMO cả, đặc biệt là trong thị trường đầy biến động như crypto, nó có thể đến từ tin tức và thậm chí là cả tầm tỷ phú thế giới.

Ngoài ra, mình sẽ cảnh báo thêm cho bạn một vài chiêu trò để tránh bị mất tiền “oan” bởi vì sự vô tình của bản thân:

  • Website “lạ mà quen”: nghĩa là các đối tượng xấu hoàn toàn có thể tạo ra được những website “y nguyên” bản gốc, chỉ khác mỗi cái domain mà nhiều người thường thao tác không để ý và đến khi bạn đăng nhập tài khoản vào là lúc mà bạn đã đưa tài sản của mình cho người khác.
  • Email: Tuyệt đối đừng ham những email kiểu như “share kèo” hay làm giàu nhanh chóng trong thị trường, ở đó sẽ chứa những đường link lạ và khi bạn click vào đó, làm theo yêu cầu thì bạn đang đưa vé mời cho những đối tượng này vào chiếm đoạt tài sản của mình.
    Thậm chí chúng còn sẽ giải mạo những công ty lớn, chẳng hạn như Binance để chào mời bạn nhận thưởng… Hãy cẩn thận!!
  • Tin nhắn: Chúng sẽ lợi dụng tên tuổi của những KOL lớn trong thị trường hiện nay để tạo ra những tài khoản giả mạo (chỉ khác mỗi ký tự ở username), chúng sẽ trà trộn vào trong các cộng đồng rồi chủ động nhắn tin cho từng người về việc “quyên góp” hay việc “share kèo”. Rất nhiều người đã bị lừa bởi cách thức này.
    Có 1 việc mà bạn cần phải ghi nhớ, đó là các admin hay KOL lớn sẽ không chủ động nhắn tin cho bất kỳ người lạ nào.

Đó chỉ là những chiêu trò thông dụng mà mình đã gặp nhiều, sẽ còn vô vàn hình thức tinh vi khác và ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong thị trường vẫn có thể bị lừa như thường.

Tổng Kết

Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thể tự trang bị về kiến thức, tư duy, kỹ năng về việc đầu tư crypto cho người mới.

Mặc dù hiện tại thị trường đang khá ảm đạm nhưng nó sẽ là bước “nén” cho chiếc lò xo có thể “bung tung nóc” trong tương lai.

Và hãy nhớ toàn bộ những gì mà Mayashare chia sẻ về đầu tư tài chính đều chỉ mang tính chất thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư.

Đầu tư luôn có rủi ro, chúc bạn may mắn và hẹn gặp lại ở những bài viết kế tiếp.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận