Không cần phải bàn cãi gì về thị phần của nền tảng video số 1 hiện nay – Youtube vẫn có lượng người dùng khổng lồ trên toàn thế giới (2 tỷ) và nói riêng ở Việt Nam thì con số mới nhất tính đến năm 2023 là 71 triệu người dùng (theo số liệu từ Statista).
Mình đánh giá rất cao về sự hỗ trợ trong việc xây dựng và tăng nhận diện thương hiệu trên Youtube, nơi bạn có thể thoải mái thể hiện mọi sự sáng tạo hay chuyên môn của bản thân qua các nội dung video dài, đó là lý do mình tập trung Mayashare khá nhiều vào Youtube, mặc dù mỗi tháng chỉ ra 1 video nhưng chuyển đổi mang lại cho Mayashare không tháng nào dưới 500 triệu cả.
Với riêng mình thì sáng tạo nội dung trên Youtube là 1 sân chơi khó hơn nhiều nếu đặt lên bàn cân với Tiktok, nhưng nếu như Youtube đã sản sinh ra cái nghề “content creator” thì Tiktok đã giúp những nhà sáng tạo nội dung trở nên viral và được nhiều người biết đến hơn.
Nắm bắt được sự khó khăn trong việc xây dựng và phát triển kênh Youtube, vì vậy mà ở bài viết dưới đây mình sẽ chỉ tập trung vào việc hướng dẫn làm content Youtube như thế nào là hiệu quả và ra được chuyển đổi mong muốn.
Xem thêm: Học làm Youtube ở đâu và như thế nào? (nhanh đạt 10k sub đầu)
Hướng dẫn làm content Youtube nhưng phải hiểu thị trường và đối thủ
Trước khi tìm hiểu làm content youtube thế nào để kênh nhanh phát triển thì bạn cần phải có bước cực kỳ quan trọng đó là research (nghiên cứu).
Bạn phải nghiên cứu để hiểu được về thị trường, bao gồm: chủ đề nội dung, đối thủ sẽ cạnh tranh trực tiếp trong quá trình bạn xây kênh. Bạn làm tốt bước này thì quá trình đạt được kết quả tốt với kênh Youtube sẽ được rút ngắn rất nhiều.
Các đối thủ có thể là những kênh cùng ngách hoặc những kênh có lĩnh vực tương tự. Việc bạn tìm hiểu đối thủ có thể bao gồm các yếu tố như: lượng subcribe, lượt xem, lượt tương tác, cách phát triển nội dung và các cách để thực hiện nội dung đó. Từ đó bạn hoàn toàn có thể đưa ra được đánh giá ưu và nhược điểm của đối thủ và có những tối ưu phù hợp hơn cho kênh của mình.
Đằng nào cũng phải tối ưu thôi thì tối ưu của đối thủ trước rồi tối ưu kênh của mình sau :))
Hơn nữa bạn cần phải tìm hiểu nhiều hơn về nhu cầu của tệp đối tượng người xem mà kênh bạn nhắm đến là gì, các xu hướng hiện tại ra sao và thị hiếu của tệp người xem đó đang như thế nào, họ xem video với mục đích gì và bạn sẽ phải tăng tỷ lệ chuyển đổi ra sao trong các chiến lược đi nội dung video.
Bước 1: Nghiên cứu từ khoá cho kênh (quan trọng)
Nghiên cứu từ khoá là quá trình bạn sẽ tìm kiếm, lọc chọn ra những từ khoá được người dùng thường xuyên tìm kiếm trên nền tảng, dựa vào những từ khoá này bạn sẽ có những tối ưu phù hợp cho video cũng như tổng thể kênh để có được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm.
Vậy thì tại sao cần phải nghiên cứu từ khoá? Đây là những lợi ích mà bạn sẽ nhận được:
- Có được lộ trình xây dựng nội dung cho kênh bài bản và hiệu quả hơn.
- Hiểu hơn về tệp đối tượng người xem nhắm đến thông qua những gì mà họ tìm kiếm.
- Bố cục nội dung sẽ chặt chẽ hơn và sẽ có thứ hạng tốt hơn trên kết quả tìm kiếm của Youtube và Google.
- Dễ ăn đề xuất hơn.
- Bạn sẽ lên được chiến lược phát triển cho các kênh khác ngoài Youtube.
Về quy trình nghiên cứu từ khoá như thế nào thì bạn có thể tham khảo các bước mà mình thường hay làm như sau:
- Dựa vào chủ đề chính của kênh và lấy đó làm từ khoá gốc rễ.
- Dùng các tool như Keywordtool hoặc VidIQ, lấy từ khoá gốc rễ và bắt đầu “cào” các biến thể khác của từ khoá.
- Lọc chọn, gom nhóm các từ khoá theo từng cụm chủ đề cụ thể.
- Bắt đầu phân chia kế hoạch nội dung cho từng keyword.

Để tiết kiệm thời gian thì bạn có thể sử dụng chatGPT để hỗ trợ trong khâu gom nhóm các từ khoá và lên kế hoạch nội dung, nhớ là đừng uỷ thác cho AI 100% mà nên rào lại 1 lần để đảm bảo chất lượng.
Còn về công cụ trong khâu này thì mình thường sử dụng:
- Google Sheet: Cho việc nghiên cứu từ khoá và lên kế hoạch nội dung.
- Notion: Quản lý thời gian sản xuất các nội dung từ lúc lên ý tưởng, bản nháp, quay, dựng cho đến lúc hoàn thành.
Bước 2: Tăng thứ hạng video trên kết quả tìm kiếm (SEO)
Việc bạn nghiên cứu từ khoá như mình đã nói trên sẽ phục vụ cho bước tối ưu thứ hạng video trên kết quả tìm kiếm của Youtube, bởi mỗi video sẽ tương ứng với 1 từ khoá mà người xem sẽ thường xuyên tìm kiếm trên Youtube hay Google và bạn làm tốt thì khi họ tìm kiếm thì bạn sẽ tiếp cận họ ở các kết quả đầu tiên.
SEO (Search Engine Optimization): tối ưu hoá công cụ tìm kiếm.


Nhìn chung thì bước SEO trên Youtube đơn giản hơn rất nhiều so với website nên bạn chỉ cần làm theo là có thể có được kết quả, còn lại kênh có phát triển được hay không thì phải kết hợp với việc ăn đề xuất và chất lượng video của bạn để thuyết phục người xem.
Về cơ bản thì sẽ có những bước như sau:
- Tối ưu tên file video có chứa từ khoá chính, không dấu và cách nhau bằng dấu –
Ví dụ: từ khoá chính là “hướng dẫn SEO Youtube” thì tên file sẽ là “huong-dan-seo-youtube”. - Tiêu đề video khi up lên kênh phải chứa từ khoá chính và nên đặt ở các vị trí đầu tiên của tiêu đề và kèm theo ngôn từ mạnh (power word) để tăng tỷ lệ click vào video trên kết quả tìm kiếm hoặc trang chủ Youtube khi được ăn đề xuất.
- Mô tả video nên chứa từ khoá chính trong đoạn đầu tiên, và các từ khoá liên quan có thể rải rác các phần còn lại của mô tả.
- File thumbnail cũng phải chứa từ khoá chính, cách đặt thì tương tự như tên file video như trên.
- … chi tiết hơn nữa thì bạn có thể xem bài viết này.
Ngoài ra những bước tối ưu để tăng vị thế của video trên kết quả tìm kiếm thì đó chỉ là giai đoạn đầu để bạn tiếp cận đến người xem, còn giữ chân được họ, làm họ phải “wow” và tương tác với video thì nằm phần lớn ở chất lượng nội dung, nó vừa phải phù hợp với từ khoá mà họ tìm kiếm, vừa phải hợp với “khẩu vị tiêu thụ nội dung” của họ.
Bước 3: Bắt đầu quay
Sau khi đã nghiên cứu từ khoá, lên được kế hoạch nội dung chi tiết cho kênh Youtube thì bạn đã sẵn sàng cho việc sản xuất video.
Tuy nhiên, với người mới thì việc quay không phải là điều dễ dàng và đây là lộ trình mà mình đã bắt đầu luyện tập để có được những chất lượng video như hiện tại, bạn có thể tham khảo.
Lên concept cho kênh
Trước khi bắt đầu quay video, bạn cần phải lên một concept cho kênh của mình. Concept là ý tưởng, hình ảnh và phong cách mà bạn muốn truyền tải qua kênh Youtube của mình.
Cụ thể đó sẽ là những gì sẽ lọt vào khung hình của camera: nhân vật chính, bối cảnh xung quanh,…
Concept giúp bạn tạo nên một phong cách riêng cho kênh của mình, giúp thu hút được lượng lớn người xem và tạo nên điểm nhấn thương hiệu riêng.
Sử dụng các công cụ và phần mềm để quay phim và thu âm
Để quay video cho kênh Youtube của mình, bạn cần phải sử dụng các công cụ và phần mềm phù hợp, một vài thứ bạn cần phải chuẩn bị như sau:
- Máy quay phim: Nếu bạn là 1 người chuyên nghiệp thì có thể sử dụng các máy quay chuyên dụng cho dân trong nghề, còn với người mới thì có thể quay bằng điện thoại (nên sử dụng các dòng điện thoại sản xuất từ năm 2021 trở lại đây để có chất lượng quay tốt nhất). Mình hiện tại thì dùng chiếc máy quay Sony ZV1.
- Microphone: Để tăng chất lượng video thì âm thanh là thứ không thể nào thiếu và bạn có thể sử dụng những chiếc micro cài áo, giá vài trăm nghìn là đủ dùng (gợi ý hiệu Boya).
- Phần mềm chỉnh sửa video: Người mới thì có thẻ sử dụng các phần mềm miễn phí như capcut hay imovie. Còn nếu là dân chuyên thì cứ “băm” Adobe Premiere hay Final cut Pro.
Luyện kỹ năng ngồi trước camera
Với video thì bạn có thể cắt ghép thế nào cũng được nhưng hạn chế việc nhìn kịch bản rồi nói từng câu, sau đó cắt ghép lại, làm thế này sẽ khiến chất lượng video tệ kinh khủng bởi nó sẽ bị “khựng” liên tục giữa các đoạn bởi vì lạm dụng việc cắt ghép quá đà, gây khó chịu cho người xem.
Thay vào đó bạn nên thay thế bằng việc quay 1 lần với 1 đoạn dài của 1 mục trong chủ đề nội dung video, để làm được điều đó thì bạn cần phải luyện nhiều về kỹ năng ngồi trước camera.
Giải pháp ở đây là bạn cứ hình dung là bạn đang nói vấn đề đó cho 1 người bạn của mình, mọi thứ cứ thật tự nhiên từ giọng điệu, cách truyền tải, ánh mắt, cử chỉ của tay… và cũng đừng nhìn chằm chằm vào camera, cứ thật thoải mái, là chính bạn là được. Nói vậy thôi chứ để đạt đến level này thì cần phải luyện tập khá nhiều và không thể nào có thể “thạo” được ngay từ những video đầu.
Những chiếc video đầu tiên sẽ là nền tảng và có thể nó sẽ là video “tệ” nhất trên kênh của bạn nhưng sau này khi nhìn lại bạn sẽ phải cảm ơn vì đã có “tụi nó” thì mới có được bản thân đã cố gắng và nỗ lực thế nào.
Có thể bạn đã nghe qua vài mẹo về việc luyện nói trước gương nhưng với mình đây là mẹo nên bỏ vào “thùng rác” vì nó không hiệu quả (chí ít là với mình), bạn cứ ngồi trước camera và quay, quay đến khi nào cảm thấy ổn là được, việc ngồi nói trước gương và camera là 2 môi trường hoàn toàn khác nhau và chắc chắn bạn sẽ bị “khớp”.
Nên có kịch bản
Kịch bản là 1 phần không thể nào thiếu với mọi dân làm sáng tạo nội dung, nhưng bạn cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa văn nói và văn viết.
Mình biết có một số bạn có xu hướng lên kịch bản như 1 bài viết trên website, sau đó bắt đầu học thuộc rồi quay, cách này không sai nhưng lạm dụng quá nhiều sẽ không tốt, ngoài việc tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc sản xuất 1 video ra thì chất lượng sau cùng lại rất tệ, bạn sẽ nói không khác gì “chị Google đang đọc”.
Vì vậy mà kịch bản ở đây chỉ nên bao gồm những ý lớn và ý nhỏ của chủ đề, trong các ý đó bạn có thể gạch ra tiếp các ý khác để phòng trường hợp quên, còn lại bạn sẽ nói trước camera theo sự hiểu biết của bản thân.
Làm như vậy sẽ giúp bạn tự nhiên hơn trong từng câu nói, cách truyền đạt đến người xem thu hút, tránh lòng vòng “không lối thoát”.
Bước 4: “Phù phép” cho video
Linh hồn của video sẽ nằm ở khâu edit (chỉnh sửa) sau cùng trước khi đăng tải lên trên kênh, từ việc cắt ghép, lồng chữ, hình ảnh/video minh hoạ, hiệu ứng, nhạc nền…
Sử dụng công cụ nào thì mình đã có chia sẻ ở trên: capcut, adobe premier hoặc ai dùng hệ apple thì có thể thêm sự lựa chọn như Imovie, Final cut pro.
Kỹ thuật thì đơn giản nhưng để “phù phép” được ở khâu này thì thiên về tu duy nhiều hơn.
- Hiểu về cấu trúc câu chuyện: nếu bạn trực tiếp edit thì khâu này xem như đã được giải quyết, bởi chỉ có bạn mới hiểu được chính xác từng “ngóc ngách” của chủ đề. Còn nếu bạn đưa người khác edit thì nên brief (yêu cầu và mô tả) cho họ thấy được về cấu trúc của video và câu chuyện mà bạn muốn mang đến cho người xem.
- Hiểu về tác động của âm thanh: Âm thanh là 1 phần không thể nào thiếu trong mọi sản phẩm video hiện nay, bởi nó tác động đến cảm xúc người xem khá nhiều và dĩ nhiên việc lựa chọn nhạc không phải chọn bừa cho xong mà nó phải phù hợp với chủ đề nội dung video. Nếu chủ đề thiên về hướng dẫn thì nên giảm áp lực cho người xem bằng những bài nhẹ nhàng, truyền cảm hứng…
- Hiểu về cắt ghép video: nếu là dân chuyên thì họ sẽ biết cắt ghép video như thế nào để không bị “khựng” giữa các đoạn, còn nếu bạn là người mới thì hạn chế việc cắt ghép các đoạn quá gần nhau và có thể chèn thêm các hiệu ứng để giảm tình trạng gây khó chịu người xem (đừng nên quá lạm dụng hiệu ứng nếu bạn là dân không chuyên).
- Thêm chữ cho video: ở đoạn nào bạn cần nhấn mạnh hoặc giải thích khái niệm thì có thể thêm chữ vào.
- Hình ảnh/video minh hoạ: cũng tương tự như 1 bài viết, nếu chỉ toàn chữ là chữ thì cực kỳ “khô khan”, với video cũng vậy, bạn nên có thêm sự hỗ trợ từ hình ảnh/video minh hoạ, hiển nhiên là nó cần phải chèn đúng nơi đúng chỗ và hợp với ngữ cảnh đang nói đến. Nếu tệp đối tượng người xem trên kênh thích sự hài hước thì bạn có thể chèn thêm các meme vào.
Với video hiện nay thì việc làm đơn giản nó lại khó hơn so với việc làm phức tạp, bởi khi đã nhắm đến việc làm phức tạp thì nó phải hướng đến sự chuyên nghiệp thì mới “chạm” được đến thị hiếu người xem, còn lại nếu bạn như mình thì cứ quy trình như trên là đã đủ xài.
Các tips để tạo nội dung video hay cho kênh Youtube
Mình đã từng đạt được 10,000 người đăng ký đầu tiên chỉ với 1 video duy nhất trên kênh Mayashare, và video đầu tiên đó với cá nhân mình hiện tại đánh giá là “tệ” nhất trong list video trên kênh.

Nhưng nó lại là bước đà để mình có được gần 50k sub như hiện tại và có được mức doanh thu hàng tháng khá tốt với kênh Youtube.
Vì vậy mà với mình sẽ không có bất kỳ công thức cao siêu nào cả, quan trọng là lộ trình ⇒ chịu làm ⇒ biết sai ở đâu ⇒ sửa, cứ 1 vòng lặp như vậy và theo sau là sự kiên trì là bạn sẽ có được kênh Youtube đáng mơ ước.
Mình sẽ đúc kết lại vài ý như sau để giúp bạn có thể tạo được nội dung video hay cho kênh Youtube:
- Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Phải biết đổi thủ cạnh tranh là ai, đi “soi” đến tận “xương tuỷ” cách mà họ đang làm, bạn sẽ thấy được “ánh sáng” cho mình.
- Phải hiểu được chủ đề và tệp người xem nhắm đến, họ muốn gì thì bạn sẽ cung cấp cho họ như vậy, khi bạn nâng trình lên rồi thì có thể điều hướng họ theo hướng bạn muốn.
- Nội dung của mỗi video nên đúng với nhu cầu tìm kiếm của người dùng với từ khoá chính.
- Để tăng sự thuyết phục và khiến họ trở thành “fan” của bạn thì cần có sự gần gũi, thân thiện và thể hiện được chuyên môn bản thân qua từng nội dung mà bạn làm.
- Cứ nói những gì bạn hiểu và biết, những gì ngoài tầm thì chưa vội làm, cứ nghiên cứu rồi làm sau, khi nào thật sự “thấm nhuần” thì mới bắt đầu làm. Sự tự tin là thứ cần thiết cần phải có trong mỗi câu từ mà bạn truyền đạt đến người xem.
- Luôn sáng tạo và đổi mới bằng cách đi học thêm từ các kênh nước ngoài để tìm thêm ý tưởng cho kênh mình, từ góc quay, cách edit, cách nói, cách sáng tạo chủ đề.
Còn nữa nhưng mình sẽ hẹn ở 1 bài viết khác.
Xem thêm: (Quy trình) Tạo kênh Youtube bán hàng như thế nào là hiệu quả?
Kết luận
Trên đây là hướng dẫn làm content Youtube dành cho người mới mà mình đúc kết ra từ chính những gì bản thân đã “kinh” qua nhiều kênh Youtube khác nhau và Mayashare chỉ là số nhiều trong đó.
Mình xin nhắc lại lần nữa là mọi thứ không cần phải quá cầu kỳ, bạn không cần phải đầu tư quá nhiều tiền vào các thiết bị, máy móc, cái quan trọng vẫn là nội dung, đó là linh hồn của cả kênh Youtube.
Chúc bạn thành công!