Rất nhiều bạn nhắn tin cho mình đều ca chung 1 bài “làm hoài mà video không lên, kênh không phát triển nổi, hoặc hoạ may video lên xu hướng nhưng follower không tăng, thậm chí kênh phát triển nhưng không kiếm được đồng nào từ kênh cả”.
Khi mình bắt đầu rà hỏi để bắt bệnh thì 90% đều có lỗi chung rất lớn đó là không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào được vẽ ra ngay từ đầu cả, nghĩ gì quay đó, thấy trend nào nổi, drama nào hot cũng đu theo.
Nghe qua thì đơn giản nhưng việc bạn xác định mục tiêu, lên kế hoạch và chiến lược là công thức chung của mọi nền tảng hiện nay nếu bạn muốn phát triển và đi được đường dài, không riêng gì Tiktok.
Đó là lý do mà các bạn mentee trong các chương trình online mentoring 1:1 của mình thì bước đầu tiên là phải nhẩm lại kế hoạch mà mình đã lên cho các bạn trước khi chính thức bước vào giai đoạn thực hành.
Việc lên kế hoạch giúp cho bạn có được định hướng rõ ràng, tối ưu hoá chi phí và thời gian, từ đó có thể đạt được hiệu quả tốt nhất khi triển khai. Việc này còn giúp bạn hiểu hơn về thị trường, đối tượng khách hàng mục tiêu và cách để bạn có thể tiếp cận họ trên các kênh khác.
Nhìn chung bước này rất quan trọng mà bạn cần phải làm kỹ ngay từ đầu, nó không chỉ quyết định đến lợi nhuận sau cùng mà còn về mặt định vị và phát triển thương hiệu sau này.
Bài viết dưới đây mình sẽ giúp bạn làm rõ chủ đề này.
Gợi ý: Đọc xong bài này và làm tốt thì hãy đến bài mình share các quy trình hướng dẫn để xây kênh nhanh đạt mốc 100k follower. Bài tại đây
Nghiên cứu thị trường để lên kế hoạch xây dựng kênh Tiktok
Để có được chiến lược xây kênh hiệu quả và có thể nhanh hiện thực hoá bức tranh có được kênh tiktok triệu view thì bạn cần phải là người “ăn nằm”, “đào bới” thật nhiều trong thị trường và thường sẽ phải nghiên cứu những đầu việc như:
- Nhu cầu thị trường hiện tại thế nào?
- Tiềm năng phát triển sắp tới ra sao?
- Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là ai? Họ đã đang làm gì?
- Nhu cầu của khách hàng trong thị trường này thế nào?
- Khai thác thương mại trong thị trường này thế nào?
Về việc nghiên cứu thị trường thì bạn nên tham khảo qua các kênh mà bạn xem là đối thủ của bạn ở trên tiktok.
Hãy tìm kiếm theo từ khoá của chủ đề ở ô search trên tiktok và tham khảo theo cách mà mình hay research sau:
- Top & Video: ưu tiên về số lượt thích và thời gian 30 ngày trở lại
- Người dùng: chọn 10k – 100k follower

Ngoài ra, bạn nên tìm kiếm theo hashtag, thường trong 1 chủ đề lớn sẽ có rất nhiều hashtag liên quan và bạn có thể lọc chọn theo view để tìm kiếm các kênh đối thủ (sẽ có những hashtag có view cao nhưng các kênh đều chỉ ăn đề xuất 1-2 video, kênh không phát triển thì bạn không nên xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp).
Lọc chọn thì bạn sẽ có được số lượng kênh để bắt đầu quá trình nghiên cứu, tham khảo và học từ những kênh đi trước.
Nên follow họ trong khoảng 2 tuần để bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình hiện tại các đối thủ đang đi thế nào, việc này sẽ giúp bạn đưa ra các phương án cải thiện và tối ưu hoá chiến lược phát triển cho kênh của mình.
Ngoài ra, phần giá trị nhất trong khâu này chính là Insight mà bạn thu thập được từ chính những comment trên các kênh đối thủ.
Đó chính là những nhu cầu giá trị thật sự từ đối tượng mà bạn nhắm đến, việc này sẽ giúp bạn tạo ra nội dung tiếp cận phù hợp, thu hút sự quan tâm và tương tác từ họ, vì chắc chắn sau này thuật toán Tiktok cũng sẽ đề xuất kênh bạn đến những đối tượng này.

Học từ chính “người anh em” của Tiktok
Dành cho bạn nào chưa biết thì Tiktok còn một người anh em nữa có tên là Douyin (phiên bản Tiktok chỉ dành cho nội địa Trung Quốc).

Ngoài ra bạn có thể tham khảo qua các kênh từ Thái Lan, thậm chí là các nước phương Tây.
Công thức research cũng tương tự như trên, nhưng chỉ khác ở chỗ là bạn cần phải đăng ký tài khoản và dùng ứng dụng như 1 người bản địa: phải có số điện thoại, email, thiết bị thì nên tắt gps để thuật toán tiktok có thể giúp bạn tiếp cận được những kênh phù hợp ở nước đó.
Sau khi đã tìm hiểu được về xu hướng, thị trường ở nước bạn thì bạn nên nhìn lại về thị trường nước mình xem có phù hợp hay không và cần phải thay đổi những gì để nội dung có thể phù hợp với khẩu vị của người Việt mình.
Mọi thứ ở giai đoạn đầu đều chỉ là phỏng đoán, nó lại càng đúng khi bạn là người đầu tiên theo 1 phong cách hoặc trend mới nào đó, cần phải có thời gian để testing và tối ưu để phù hợp hơn với thị trường và thị hiếu người xem.
Lên concept chi tiết cho kênh
Sau khi đã hiểu về thị trường, tệp follower mà bạn muốn nhắm đến thì sẽ đến khâu lên concept cho kênh, nó sẽ bao gồm:
- Định hướng chủ đề nội dung cho kênh.
- Phong cách cá nhân mà bạn sẽ định vị thương hiệu bản thân trên kênh.
- Bao gồm luôn cả những bối cảnh xung quanh chủ thể.
Ví dụ: Kênh Tiktok về ẩm thực thì có thể giới thiệu đến các món ăn ngon, cách nấu những món ăn đó, công thức đặc biệt nào đó từ chính kinh nghiệm lâu năm trong nghề của chủ kênh và bối cảnh sẽ ở trong bếp và màu sắc của căn bếp hoặc từ cái tạp dề (bộ đồ) chủ kênh mặc cũng có thể sẽ là điểm nhấn về mặt hình ảnh để định vị về mặt thương hiệu.

Ngoài ra, mình cũng lưu ý thêm là bạn đừng cố gắng diễn để biến bản thân thành 1 phiên bản hoàn hảo mà bạn nên là chính bạn, tăng độ chân thật cho từng nội dung cũng như toàn bộ kênh.
Ví dụ:
- Bạn nói chuyện nhạt thì cứ để chữ “nhạt” đó thể hiện rõ trên từng video.
- Bạn hậu đậu, vụng về thì nên để vậy, đừng cố gắng thay đổi nó.
Đôi khi những điểm mà bạn tưởng chừng là “vô dụng” như vậy lại chính là điểm nhấn, điểm đặc biệt mà chỉ bạn có.
Bạn cũng cần phải xác định được thương hiệu cá nhân sẽ hướng đến trong việc xây dựng kênh tiktok là gì?
- KOL: chuyên gia trong 1 lĩnh vực nào đó.
- KOC: những cá nhân chuyên review
- Idol: những người nổi tiếng được follow khá đông và thường sẽ thuộc lĩnh vực giải trí
Xem thêm: (Phương pháp 3-4) Xây dựng thương hiệu cá nhân trên TikTok
Khi đã có được 1 concept rõ ràng rồi thì đến bước lên kế hoạch nội dung và kịch bản chi tiết cho từng video.
Gợi ý cho bạn về phần lên kế hoạch nội dung thì nên research qua những nền tảng khác như Google, Youtube.
2 nền tảng này sẽ thuộc dạng content dài, bạn có thể lấy “xén nhỏ” từng ý, thêm thắt phần kinh nghiệm, chuyên môn của bạn vào nữa thì bạn sẽ có kế hoạch nội dung.
Lưu ý nhỏ nữa là với những kênh mới hoặc mới đổi concept thì nên testing khoảng 5-7 video đầu xem tín hiệu từ Tiktok (có ăn đề xuất nhiều không) và khả năng tương tác của người dùng với video thế nào…
Xác định được key person cho kênh
Tiktok thời nay không như những thời kỳ đầu, lượng user tăng và lượng creator cũng tăng nên traffic bị “lạm phát”.
Chính vì vậy có 2 yếu tố mà bạn cần phải tìm và làm thật tốt cho kênh đó là “tính chân thật” và “tính cách nhân vật”.
Nên ưu tiên chủ kênh làm key person chính hoặc nếu bạn nhắm đến việc phát triển kênh cho doanh nghiệp và có nhiều key person thì nên giải quyết được 2 yếu tố trên ở từng người.
Ví dụ: Hệ sinh thái của S-channel sẽ có những cá nhân có những điểm nhấn về tính cách khác nhau như Huy NL, Duy Thẩm, Đặng Thu Hà, Hải Triều… xung quanh các sự việc như “Apple” và “Samsung”, tích xanh, richkid… và quan trọng là chủ thể nào cũng thuộc diện “lầy” và “xàm” theo các cách khác nhau.

Key person phải thật sự phù hợp với mục tiêu cũng như là concept đã lên cho kênh, bởi đây sẽ là những người đại diện cho cả 1 kênh hoặc lớn hơn là cả 1 thương hiệu, doanh nghiệp nên phải thể hiện được cái phần hồn về cả chiến lược đã lên ngay từ đầu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn key person là 1 influencer nào đó, họ có lượng follow ổn trên các mạng xã hội để có thể cùng đồng hành phát triển kênh với bạn.
Việc hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ giúp kênh của bạn tiếp cận được với một lượng lớn khách hàng tiềm năng, đồng thời tăng độ phổ biến của kênh. Tuy nhiên, bạn cần phải chọn đối tác phù hợp với kênh của bạn và đảm bảo rằng việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Kết luận
Tóm lại, việc lên kế hoạch trước khi xây kênh rất quan trọng, không riêng gì Tiktok mà mọi kênh social media khác bạn cũng cần phải áp dụng công thức như vậy.
Giai đoạn đầu chỉ là thử nghiệm tín hiệu thị trường, nên có thêm bước tối ưu cho từng giai đoạn để tăng thêm sự hiệu quả, bởi các kênh social media hiện tại đều có các luật chơi khác nhau và dù cho kênh bạn có triệu follower thì vẫn có thể bị flop hoặc bay màu như thường.
Chúc bạn thành công! Hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo