Nội dung
(Hướng dẫn) Làm Youtube cho người mới bắt đầu từng bước

(Hướng dẫn) Làm Youtube cho người mới bắt đầu từng bước

Thuật ngữ “kiếm tiền trên Youtube” không còn là quá mới, người người biết, nhà nhà biết, thậm chí báo đài cũng đưa tin rất nhiều về cái nghề có tên là Youtuber trong 10 năm qua.

Lần đầu tiên mình tiếp cận với hình thức này là từ năm 2015 và trong 8 năm qua thì cái nghề “Youtuber” này vẫn luôn có 1 vị trí nhất định trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung, hoạ may bị lung lay là từ ngày có sự xuất hiện và phát triển của Tiktok nhưng lượng người dùng trên Youtube vẫn cực kỳ lớn.

Với hơn 2 tỷ người dùng truy cập vào Youtube mỗi tháng, và hơn 70 triệu người dùng ở Việt Nam nói riêng thì đây vẫn là “mỏ vàng” chứ không phải là đã “hết thời”, bạn cứ hiểu đơn giản là cứ còn người dùng là bạn vẫn còn cơ hội “kiếm ăn”.

Vì vậy với thời buổi cạnh tranh như hiện nay thì ở bài viết này mình sẽ chia sẻ về lộ trình làm Youtube cho người mới bắt đầu và những hướng kiếm tiền đang ngon ở trên Youtube hiện tại.

Xem thêm: Học làm Youtube ở đâu và như thế nào? (nhanh đạt 10k sub đầu)

Các bước làm Youtube cho người mới bắt đầu

Mình sẽ đi theo trình tự các bước mà 1 người mới khi bắt đầu xây kênh từ con số 0 cần phải chuẩn bị.

Lên ý tưởng và chọn chủ đề cho kênh

Trước khi bắt tay vào việc xây dựng kênh Youtube thì bạn cần phải có ý tưởng và chọn được chủ đề cho kênh, việc này giúp bạn không bị “lầm đường lạc lối” trong việc phát triển kênh.

Ví dụ: Nếu bạn xác định kênh Youtube phát triển chủ đề về “làm bánh” thì định hướng phát triển chỉ nên theo đúng hướng làm bánh hoặc các chủ đề gần liên quan như các công cụ phục vụ cho việc làm bánh hoặc khoá học dạy làm bánh… đừng đưa những chủ đề không liên quan khác vào.

ví dụ kênh Youtube về làm bánh
Ví dụ kênh Youtube chuyên về làm bánh

Nói nghe thì cao siêu vậy nhưng bạn chỉ cần tìm đúng từ khoá chính cho kênh là được, như ví dụ ở trên thì từ khoá sẽ làm “làm bánh”.

Dưới đây sẽ là các cách cơ bản để bạn có thể tìm được từ khoá chính cho kênh.

  • Nên biết và nghiên cứu những kênh mà bạn xác định sẽ là đối thủ cạnh tranh, bằng cách tìm kiếm các từ khoá liên quan để thống kê được số lượng đối thủ mà bạn sẽ cần phải đánh bại.
  • Sử dụng các công cụ như Keywordtool và VidIQ để đi tìm kiếm các từ khoá liên quan, mục đích là để hiểu hơn về tệp đối tượng người xem trong chủ đề mà bạn nhắm đến và quan trọng là mục đích tìm kiếm các từ khoá của họ (search intent).
  • Có thể sử dụng thêm các tool khác như Semrush hay Ahrefs, những công cụ này chuyên dành cho việc nghiên cứu từ khoá, phân tích đối thủ cho việc phát triển website (tối ưu thứ hạng trên Google) nhưng dùng cho mục đích xây kênh Youtube cũng rất hiệu quả. Đơn giản là bởi video Youtube của bạn hoàn toàn có thể xuất hiện được trên kết quả tìm kiếm trên Google.
  • Nên có bước lọc chọn và gom nhóm từ khoá theo từng chủ đề, vì sẽ có những từ khoá bị trùng lặp về search intent (nhu cầu tìm kiếm) và khi như vậy thì chúng nên được gom chung vào 1 nội dung video. Nhưng nếu sự trùng lặp content đó mà bạn có sự sáng tạo riêng và cho ra 2 video có hướng đi khác nhau thì vẫn có thể tách biệt được, bởi trên Youtube vấn nạn “ăn thịt từ khoá” sẽ không gắt như trên Google ⇒ Ở bước này bạn cần phải lên xong kế hoạch nội dung cho kênh Youtube.

Tất cả những bước trên sẽ nằm chung trong khâu “nghiên cứu” (research) bước đầu, sự chuẩn bị để bạn có thể xây kênh hiệu quả hơn, lúc này bạn cũng có thể đã có được ý tưởng cho concept phù hợp cho kênh và với cả tệp người xem nhắm đến.

Chuẩn bị kênh

Sau khi đã có ý tưởng và lên xong bộ kế hoạch nội dung thì bạn cần phải chọn được tên kênh Youtube dựa trên từ khoá chính mà bạn đã có ở bước trên.

Có tên rồi thì đến bước tạo và tối ưu kênh, mình xin bỏ qua các bước quá cơ bản như tạo gmail và kết nối với kênh Youtube, mình sẽ đi vào quy trình bạn cần phải tối ưu ban đầu cho kênh, như sau:

  • Đặt tên kênh và tên người dùng cho kênh phải phù hợp và liên quan đến chủ đề trên kênh, nếu bạn đã phát triển những kênh trên các nền tảng khác trước đây thì cứ đặt đúng tên thương hiệu.
  • Ngôn ngữ và quốc gia thì auto Việt Nam, nhưng nếu bạn nhắm đến tệp người xem nước ngoài thì chọn theo quốc gia và phần thiết bị đăng nhập vào tài khoản Youtube cũng cần phải “bùa phép” theo đúng định vị của nước đó để Youtube có thể giúp bạn tiếp cận đúng tệp.
  • Bạn cần phải thêm cả mô tả cho kênh, liên kết đến các trang mạng xã hội khác để tăng độ nhận diện thương hiệu. Mô tả của kênh cần phải cung cấp đủ thông tin về nội dung của kênh và giới thiệu ngắn gọn về những gì người xem sẽ tìm thấy trên kênh của bạn.
  • Thiết kế ảnh đại diện và ảnh bìa cho kênh, độ phân giải cao, tránh tình trạng ảnh bị vỡ hoặc mờ.
    • Ảnh đại diện thì nên để logo nếu kênh thuộc quyền sở hữu của team hoặc doanh nghiệp, còn nếu là cá nhân thì bạn có thể để hình của bạn, kích thước chuẩn sẽ là 800 x 800 pixel.
    • Ảnh bìa thì nên bao gồm slogan và bố cục nên phù hợp với phong cách và nội dung của kênh, kích thước chuẩn sẽ là 2560 x 1440 pixel.

Về cơ bản thì sẽ có như vậy, không có gì quá cầu kỳ và phức tạp ở bước này.

Quay và biên tập video cho kênh Youtube

Dựa vào kế hoạch nội dung đã có và concept đã lên, bạn bắt đầu quá trình sản xuất video (quay và biên tập).

Về phần công cụ quay, nếu bạn là dân chuyên media thì cần gì ở bước này mình sẽ không nói đến nhiều, còn nếu bạn là người mới không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa để quay thì không có gì phải quá phức tạp, ban đầu bạn có thể quay hoàn toàn bằng điện thoại, chỉ cần điện thoại của bạn là dạng smartphone được sản xuất trong 2 năm trở lại là cân được hết (nếu là Iphone thì càng tốt).

Bạn chỉ cần đầu tư thêm micro ngoài để tăng chất lượng âm thanh, có thể dùng micro cài áo, giá chỉ tầm 300-400k.

Nên đầu tư thêm chút về ánh sáng, bao gồm: ánh sáng chính đánh vào chủ thể có thể dùng đèn livestream và để “tô màu” thêm cho video thì phía sau bạn có thể sử dụng thêm các đèn led ống tuýp.

Ngoài ra, trước khi quay thì bạn nên lên trước kịch bản để tránh tình trạng quên ý và nói vòng vo, nhưng bạn cũng không nên lạm dụng việc lên kịch bản như kiểu 1 bài viết chi tiết, mà nó chỉ nên là những ý chính, dựa vào đó bạn sẽ nói theo cách hiểu của bản thân sẽ tự nhiên và thuyết phục người xem hơn.

Làm theo đúng cách lên kịch bản như vậy thì trong quá trình quay sẽ diễn ra tự nhiên hơn, thậm chí sẽ có những ý “vô tình đến” và được bạn truyền tải nằm ngoài phạm vi của kịch bản. Nhưng cần phải lưu ý, ý nào nói ra thì nên “dứt điểm” nhanh gọn lẹ ý đó, kéo dài sẽ khiến video bị “chán”.

Sau khi quay xong thì bạn đến bước biên tập (edit) video, phần công cụ thì mình đã chia sẻ khá nhiều ở các bài viết trước. Đơn giản thì bạn có thể dùng Capcut, cao hơn thì bạn có thể dùng Final cut (hệ MacOS), Adobe Premiere, Davinci Resolve… (cách tải như thế nào thì bạn Google thêm nha).

Lưu ý thêm 1 phần nữa là trong quá trình biên tập video và lồng ghép âm thanh, hình ảnh hay video minh hoạ vào thì bạn nên chú ý vấn đề bản quyền để tránh rắc rối sau này, mình đã gặp khá nhiều trong thời gian đầu xây dựng kênh Youtube, tốt nhất bạn nên dùng âm thanh có sẵn trong “thư viện Youtube” hoặc mua bản quyền từ các bên thứ 3, phần hình ảnh/video cũng nên tương tự như vậy.

Biên tập xong bạn sẽ thêm các bước tối ưu để video có được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm và khả năng ăn được đề xuất trên Youtube, còn không thì kênh rất khó tiếp cận đến đúng người xem.

Bật mí cách để ăn đề xuất trên Youtube

Làm thế nào để ăn được đề xuất trên Youtube? Đây là câu hỏi mà mình gặp rất nhiều và đặc biệt là từ 8 năm trước bản thân mình cũng đã tự hỏi như vậy 😀

Thật ra không có gì quá khó cả, đều sẽ có công thức mà bạn có thể áp dụng được, bật mí bí mật như sau:

  • Làm tốt khâu SEO cho video: Có thể video sẽ ăn được đề xuất mà không cần bạn phải làm tốt SEO, nhưng bạn làm tốt khâu này sẽ giúp tăng tỷ lệ cao hơn. Trước – trong – sau khi đăng tải video lên kênh cần phải làm gì thì bạn có thể xem lại bài viết này.
  • Thiết kế thumbnail: Thumbnail chính là ảnh đại diện cho video, là thứ sẽ quyết định phần lớn người xem có click vào video của bạn hay không, cơ bản nó nên bao gồm: từ khoá chính hoặc liên quan đến chủ đề video, thêm cả từ khoá thu hút, những chi tiết hỗ trợ để tăng thêm sức hút cho thumbnail như màu sắc…
  • Tiêu đề video: Sau thumbnail sẽ đến tiêu đề video, không cần phải quá thu hút, chỉ cần có chứa từ khoá chính ở tiêu đề và có thumbnail thu hút là bạn sẽ tăng được click vào video giữa vô vàn các đối thủ khác, hoặc bạn có thể tăng thêm các power word, cái này có thể tối ưu sau khi bạn có được số liệu thống kê từ người xem.
  • Tăng tương tác: Với video trên 1 kênh mới thì hầu như khi up lênh sẽ ít có ai xem, vì vậy mà bạn cần phải “push” thêm tín hiệu bằng cách đi thêm link từ các group, diễn đàn, website. Hoặc bạn có thể chủ động share link, nhưng mà với mình cách này không hiệu quả trong thời gian đầu. Ngoài ra, bạn cũng nên tương tác thường xuyên với người xem như thả tim, trả lời, ghim bình luận…
  • Tạo playlist: Nếu bạn làm tốt khâu nghiên cứu từ khoá và lên kế hoạch nội dung thì bước này không có gì khó cả, khi mà trong khâu nghiên cứu từ khoá đã có bước gom nhóm từ khoá theo chủ đề và chủ đề này sẽ tương ứng với 1 playlist trên kênh. Mỗi playlist này cũng nên được SEO với từ khoá chính, mô tả. Việc này sẽ giúp tăng tương tác và thời gian xem khá hiệu quả nếu như nội dung video của bạn chất lượng.
Đề xuất trên Youtube
Tỷ lệ video được Youtube đề xuất sẽ tuỳ vào thiết bị và hành vi xem video của người dùng.

Cuối cùng, mọi công thức ở trên sẽ “đổ sông đổ biển” và hiệu quả gần như bằng 0 nếu như chất lượng video “tệ”.

Tệ ở đây với mình sẽ bao gồm nhiều thứ, có thể là đến từ chất lượng quay, âm thanh, bối cảnh, ánh sáng và thứ quan trọng nhất chính là nội dung mà bạn truyền tải đến người xem.

Có thể bạn nói chưa hay, chất lượng quay chưa đẹp (có thể tối ưu từ từ), nhưng những thông điệp, nội dung mà bạn truyền tải đến người xem cần phải “thật” và “có giá trị”.

Xem thêm: 3 cách tăng view trên Youtube (thật và chất lượng)

Làm Youtube kiếm tiền thời nay còn cách nào?

Như đã hứa ở phần intro bài viết, thì ở mục này mình sẽ giới thiệu đến bạn những cách kiếm tiền hiện tại “còn ngon ăn” trên Youtube mà ai cũng sẽ có thể làm được.

  • Google Adsense
  • Hội viên trả phí
  • Youtube Shopping
  • Booking
  • Tự kinh doanh/bán hàng online

1. Google Adsense

Google Adsense là chương trình quảng cáo của Google, là nơi mà các thương hiệu có thể đăng ký quảng bá thương hiệu của họ đến với khách hàng trong vòng tròn hệ sinh thái của Google (bao gồm cả Youtube).

Khi bạn đăng ký trở thành đối tác của Google thì video của bạn sẽ bắt đầu xuất hiện quảng cáo và khi người xem click vào quảng cáo đó hoặc xem hết video (tuỳ vào phân phối) thì bạn sẽ được Google chia lại 1 phần tiền từ các thương hiệu đã bỏ ra để chạy quảng cáo trước đó.

Để đủ điều kiện tham gia thì bạn cần phải đủ 1000 người đăng ký và 4000 giờ xem trong vòng 12 tháng gần nhất. Ngoài ra, các video của bạn cần phải tuân thủ các chính sách của Youtube và không vi phạm bất kỳ quy định nào.

Ngoài ra, trong năm 2023 Youtube ra mắt tính năng Youtube Shorts (giống Tiktok) với các video khổ dọc và có thời gian dưới 1 phút. Về điều kiện thì bạn cũng cần phải có trên 1000 người đăng ký và 10 triệu lượt xem trong 90 ngày. Xem chi tiết.

2. Hội viên trả phí

Khi bạn đã có được 1 lượng người theo dõi đủ lớn thì cách kiếm tiền này trên Youtube mới hiệu quả.

Nghĩa là bạn sẽ tạo 1 cộng đồng nhỏ trên Youtube và họ sẽ phải trả phí mới được tham gia, bạn có thể cung cấp cho họ những huy hiệu đặc biệt, biểu tượng cảm xúc hay những đặc quyền riêng ở từng mức giá khác nhau…

Bạn sẽ nhận được 70% doanh thu.

3. Youtube Shopping

Tương tự như Tiktok Shop, bạn có thể đăng ký mở shop hoặc kết nối với 1 shop nào đó đã có sẵn và kiếm tiền thông qua chương trình affiliate marketing.

Các chương trình shopping của Youtube cho phép bạn giới thiệu sản phẩm trực tiếp trong video của mình. Khi người dùng bấm vào sản phẩm trong video, họ sẽ được chuyển đến trang mua sắm của nhà cung cấp và nếu họ mua sản phẩm đó, người giới thiệu (là bạn) sẽ nhận được phần trăm hoa hồng.

4. Booking

Khi kênh bạn phát triển và có tín hiệu tốt thì các nhãn hàng sẽ tự động liên hệ với bạn để bạn giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của họ trên các video trên kênh của bạn.

Về mức giá thì cũng phụ thuộc vào độ lớn thương hiệu của kênh, sức ảnh hưởng trong cộng đồng và quan trọng là tỷ lệ chuyển đổi mà bạn có thể mang lại.

5. Tự kinh doanh/bán hàng online

Nếu bạn có sẵn nguồn lực về nguồn hàng, mặt bằng thì không dại gì không dùng Youtube để tăng nhận diện thương hiệu phục vụ cho việc bán hàng cả.

Nhưng cũng cần lưu ý là bạn đừng tập trung quá nhiều vào các từ khoá mua hàng (buyer keyword), bởi nền tảng nào cũng vậy, không ai thích việc bạn điều hướng người dùng ra khỏi nền tảng của họ.

Nếu bạn lạm dụng thì khả năng bị flop (bóp tương tác) là rất cao, vì vậy tỷ lệ các nội dung về bán hàng chỉ nên chiếm 10%, còn lại nên tập trung vào các nội dung có giá trị, khi giá trị đủ lớn thì thương hiệu sẽ tỷ lệ thuận về sự nhận diện, và khi thương hiệu đủ tốt thì bạn sẽ có được 1 tệp khách hàng tiềm năng.

Xem chi tiết: (Quy trình) Tạo kênh Youtube bán hàng như thế nào là hiệu quả?

Kết luận

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn làm Youtube cho người mới bắt đầu cũng như các cách kiếm tiền. Tuy nhiên, cũng như bao nền tảng khác, không phải ai làm cũng thành công hay ai kiếm được tiền cũng có thể trở nên giàu có với nghề này.

Từng giai đoạn đều sẽ có những thử thách riêng và bạn chỉ cần ghi nhớ điều này “Tập trung vào chất lượng nội dung, tăng sự chuyên môn và khác biệt so với số đông” thì cơ hội phát triển của bạn sẽ còn có thể vượt ra cả ngoài phạm vi Youtube.

Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn, chúc bạn thành công!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài viết liên quan

Đăng ký nhận những hướng dẫn mới nhất từ Mayashare

Mỗi tuần một Email chất lượng!