Nội dung
Quy trình 7 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

Quy trình 7 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

Nếu như bạn muốn:

  • Luôn đảm bảo bản thân không bị đói.
  • Tài chính gia đình dư dả.
  • Những lúc cần tiền gấp là luôn có sẵn.
  • Không bị nợ nần, lãi đè còng lưng mỗi tháng.
  • Mua nhà, mua xe, của ăn của để cho con cái sau này.

Thì việc quản lý thôi chưa đủ mà để nhanh chóng được các mục tiêu tương lai trên thì bạn phải biết cách lập kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp.

Xem thêm: Quản lý tài chính cá nhân – Giàu hay nghèo đôi khi khoảng cách rất mong manh

Sau đây là kinh nghiệm của mình trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân với quy trình 7 bước.

Bước 1: Kiểm tra “túi bạn” đang có gì

Đầu tiên bạn phải hệ thống lại tất cả những nguồn thu nhập mà bản thân đang có, bao gồm cả tiền lương, thưởng, hoa hồng…

Tiếp đến tổng hợp lại những “cục tạ nợ và lãi” đang phải gánh mỗi tháng.

Đừng quên cả những khoản chi phí cá nhân của bạn mỗi tháng và gửi về cho gia đình.

Ở bước này bạn càng liệt kê chi tiết từng khoản thì bạn càng dễ dàng lên được kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả để đạt được những định hướng đặt ra.

Bạn cần phải nắm được dòng tiền của mình mỗi tháng.

Bước 2: Bản thân đang ở vị trí nào?

Ở đây mình không có ý phân biệt gì đâu mà bạn nên biết mức thu nhập mình đang ở mức nào: thấp, trung bình, cao.

Cộng hưởng thêm nhu cầu sống của bản thân và gia đình, trừ hết thảy ra thì bạn có thể biết được những mục tiêu trong tương lai sẽ đạt được trong từng giai đoạn nào.

Sau đó bạn sẽ chia thành 3 phần chi tiêu như sau:

  1. Khoản chi tiêu “để sống”: đây là những khoản tiền mà bạn phải chi mỗi tháng như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, tiền internet, tiền xăng xe, tiền ăn uống,… Ngoài ra nếu bạn có gửi tiền về gia đình thì thêm vào phần này luôn.
  2. Khoản chi tiêu “tiết kiệm” và “đầu tư”: cái này ở bước 6 mình sẽ nói rõ hơn.
  3. Khoản chi tiêu “tự thưởng”: đây sẽ là những khoản mà bạn sẽ đầu tư thêm cho bản thân về làm đẹp, thời trang, công nghệ, cafe,… Khoản này khá “cám dỗ” và dễ dẫn đến chi tiêu quá tay, vì vậy đây nên là khoản tiền còn lại sau khi bạn đã trừ 2 khoản trên.

Tiếp đó phân chia ra thành các khoản % khác nhau, chẳng hạn như khoản chi tiêu để sống (55%), khoản chi tiêu tiết kiệm và đầu tư (35%) và khoản chi tiêu “tự thưởng (10%).

Bạn có thể linh động nâng hạ từng hạng mục % theo thu nhập cá nhân mỗi tháng.

Bước 3: Đặt ra định hướng và mục tiêu

Khi bạn đã thống kê được thu nhập của bản thân 1 tháng đang ở phân vùng nào cũng như phân chia rõ các khoản chi mỗi tháng thì lúc này là lúc cần phải lên định hướng và mục tiêu.

Ví dụ:

  • Bạn muốn 1 năm tiết kiệm được 100 triệu.
  • Bạn muốn cuối năm đổi xe, đổi điện thoại, laptop…
  • Bạn muốn có 1 cuốn sổ dành cho bố mẹ ở quê.
  • Bạn muốn cuối năm có tiền đặt cọc cho căn nhà mơ ước.

Không ai có quyền cấm bạn mơ ước to lớn cả, miễn sao nó còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn là được, còn lại sẽ cần có thêm chiến lược để chinh phục được nó.

Ảnh minh họa

Bước 4: Đưa ra kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu nhỏ

Mỗi mục tiêu mà bạn đã đặt ra ở bước 3 thì rất ít ai có thể đạt được nó trong thời hạn đã đặt ra.

Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu cuối năm tiết kiệm được 100 triệu nhưng trong khoảng 1 năm đó thì có ai dám chắc chắn là bạn sẽ không gặp những biến cố, có thể là vấn đề gia đình, công việc, mua sắm quá đà…

Chính vì vậy mà chúng ta cần phải chia mục tiêu lớn thành từng mục tiêu nhỏ ứng với từng giai đoạn khác nhau.

Lấy lại ví dụ ở trên:

Thay vì bạn đặt mục tiêu cuối năm tiết kiệm được 100 triệu thì chia nhỏ thành từng quý, mỗi quý (3 tháng) sẽ phải có 25 triệu trong tài khoản tiết kiệm.

Bạn muốn giảm rủi ro hơn nửa thì chia nhỏ quý thành từng tháng, nghĩa là mỗi tháng bạn sẽ phải bỏ tiết kiệm khoảng 8.33 triệu để sau mỗi quý là có 25 triệu ở trên.

Nếu tháng nào bạn không để đủ số tiền 8.33 triệu vào tài khoản thì có thể cộng dồn vào tháng kế tiếp, miễn là đến ngày kết thúc quý bạn đủ số tiền 25 triệu vào tiết kiệm là được.

Đó là đáp án cho bài toán về tiết kiệm, còn nếu mục tiêu của bạn lớn hơn nữa như mua nhà thì chiến lược cũng không khác gì mấy, khác ở chỗ là sẽ sử dụng thêm “đòn bẩy tài chính”:

  • Bạn sẽ phải tính toán thật kỹ ở bước 1 và bước 2 để lựa chọn tài sản vừa với khả năng.
  • Lựa chọn những nơi uy tín và mức lãi suất mà bạn sẽ phải gánh mỗi tháng.
  • Số tiền lãi mà bạn phải trả mỗi tháng nên cân nhắc là không vượt quá 20% tổng thu nhập của bạn hoặc của 2 vợ chồng.

Bước 5: Thời gian là vàng là bạc

Thời gian là yếu tố quan trọng trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân, nó sẽ rất hiệu quả nếu bạn đặt khung thời gian hoàn thành 1 mục tiêu tài chính nào đó trong phạm vi vừa phải hoặc nếu để làm động lực thì có thể vượt khả năng 1 xíu cũng được xem là khả thi.

Lấy tiếp ví dụ về việc mua nhà:

Để bạn có thể sử dụng được “đòn bẩy tài chính” thì cũng cần phải có trước 1 khoản tiền, khoản này được gọi là tiền trả trước, số còn lại bạn sẽ được các ngân hàng cho vay và mỗi tháng bạn sẽ phải trả góp (tiền gốc + lãi + phí…).

Bạn muốn mua 1 căn hộ 2 tỷ và muốn trả trước 30% thì cần phải đưa vào trước là khoảng 600 triệu và 70% còn lại bạn sẽ vay ngân hàng.

Khi đã có con số cụ thể này rồi thì bạn nên đặt nó là mục tiêu và cụ thể thời gian hoàn thành, chia nhỏ chúng ra để giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng đạt được theo đúng kế hoạch như mình đã có chia sẻ ở bước 4.

Ảnh minh họa

Bước 6: Phân bổ tiết kiệm và đầu tư

Ở bước 2 mình đã có đề cập qua về việc phân bổ thu chi mỗi tháng và phần “tiết kiệm & đầu tư” nên là 35% trong tổng thu nhập 1 tháng, trong đó tiết kiệm (20%) và đầu tư là (15%).

Tại sao lại có sự chênh lệnh? Với mình đầu tư dù là bất kỳ hình thức nào thì luôn có rủi ro, vì vậy mà % bạn trích cho khoản này nên thấp hơn so với tiết kiệm.

Nhưng % này cũng nên tùy vào thời điểm và hình thức mà bạn đầu tư, nếu trong giai đoạn suy thoái thì khả năng bạn đầu tư thua lỗ là rất lớn nhưng nếu tầm nhìn là dài hạn thì việc tích lũy là nên làm để chuẩn bị cho 1 bệ phóng sau vài năm.

Còn 1 vấn đề nữa mà mình muốn lưu ý thêm là dù cho bạn đang phải gánh các khoản nợ, thì cũng tính toán thật kỹ để mỗi tháng vẫn trích được % vào quỹ “tiết kiệm & đầu tư”, ít cũng được những phải có.

Phần “tiết kiệm” được xem là khoản tiền dự phòng mà bạn sẽ có được khi có những biến cố xảy ra, còn lại phần “đầu tư” nên được xem là dành cho tương lai.

Tuy nhiên, % có thể dao động và nếu thu nhập cao thì bạn hoàn toàn có thể nâng nó lên mức 40%.

Bước 7: Sử dụng thêm công cụ quản lý hỗ trợ

Về việc sử dụng công cụ, ứng dụng nào để hỗ trợ trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân thì có rất nhiều, miễn sao bạn thấy hợp là dùng.

Nhưng theo mình là nên kết hợp cả 2, cụ thể là:

  • Dùng các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử để theo dõi và tổng kết lại thu chi mỗi tháng.
  • Dùng Excel để quản lý nguồn tiền và lên các kế hoạch chinh phục các mục tiêu to lớn hơn.

Chi tiết thì mình đã có bài viết chia sẻ, bạn có thể tham khảo ở đây.

Tạm Kết

7 bước lập kế hoạch tài chính ở trên là đang áp dụng cho chính cuộc sống của mình hiện tại và mình chia sẻ lại để bạn tham khảo để đúc kết 1 quy chuẩn riêng phù hợp với tình hình kinh tế của riêng gia đình bạn.

Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận