Mình luôn quan niệm quản lý tài chính cá nhân là cả 1 nghệ thuật và mỗi người sẽ có 1 công thức riêng để có thể nâng cấp cuộc sống từ “đủ” lên “dư dả” và sau đó là “giàu có”, đây sẽ là 1 bài toán khó cần chúng ta phải giải đi giải lại rất nhiều lần.
Chả ai giàu có chỉ bằng việc nhịn ăn, nhịn uống, chi tiêu 1 cách hà tiện và luôn nghĩ đó là tiết kiệm rồi sau đó mơ mộng về 1 tương lai tươi sáng – KHÔNG! Đó không phải là cách.
Cách tốt nhất bây giờ là bạn cần phải làm mới lại về tư duy cách quản lý tài chính cá nhân và bài viết dưới đây mình sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Định nghĩa lại tài chính cá nhân là gì?
Bạn cứ hiểu đơn giản thì tài chính cá nhân đó là việc bạn sẽ quản lý các nguồn tiền thu chi từ cá nhân, bao gồm cả những khoản dư bạn để tiết kiệm hay cả những nguồn tiền mà bạn dùng để đầu tư.
Thông thường thì các mục tiêu trong tương lai sẽ sinh ra các kế hoạch tài chính cá nhân: có thể là kế hoạch nghỉ hưu, tiền cho con đi du học, tiền mua nhà…
Nghe qua thì tưởng đơn giản, nhưng 1 kế hoạch tài chính cá nhân muốn vừa đảm bảo được cuộc sống hiện tại vừa phải đạt được mục tiêu đúng kỳ hạn thì đó là cả 1 vấn đề.
Cái sự “nghèo” sẽ gọi tên
Đừng nói đến những mộng tưởng về việc giàu có, quay lại cuộc sống thực tại nếu như chính bạn hoặc trong gia đình không có bất kỳ cá nhân nào có khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt thì rủi ro về cái “sự nghèo” sẽ đến là chuyện không sớm thì muộn.

Tiền kiếm bao nhiêu cũng sẽ hết, của cải tài sản về sau sẽ không thể nào có để cho con cháu sau này.
Mình đang chia sẻ ở góc nhìn là 1 cá nhân đang phải lăn lộn kiếm sống để nuôi 1 gia đình nhỏ ở thành phố lớn với mức sống được xem là cao nhất nhì cả nước.
Mình sẽ liệt kê những rủi ro mà bạn sẽ phải gặp phải để ngay từ bây giờ phải học cách quản lý tài chính cá nhân thật tốt:
- Không nắm được nguồn tiền thu vào mỗi tháng thì rất khó để kiểm soát được nguồn chi vừa với mức sống của cá nhân và gia đình, khó mà có dư để tiết kiệm chứ đừng nói đến việc đầu tư.
- Các mục tiêu tài chính về lâu dài như mua nhà, mua xe cũng khó mà thực hiện được, hoặc nếu có lên kế hoạch nhưng không biết cách kiểm soát nguồn tiền thì rất dễ rơi vào bẫy “quá hạn mục tiêu” (nghĩa là trì hoãn việc mua nhà mua xe…).
- Đến khi có những sự việc không hay xảy ra như bệnh tật, tai nạn… và cần 1 số tiền gấp thì lúc này bạn mới thấm được việc “nguồn tiền dự phòng” trong gia đình quan trọng đến nhường nào.
- Bạn sẽ bị phụ thuộc và rơi vào vòng xoáy của “đòn bẫy tài chính”. Nếu như vay để đầu tư vào các loại tài sản thì đó sẽ là việc chấp nhận được nhưng cũng cần phải biết cách quản lý tài chính cá nhân thật tốt chứ không sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “tiền kiếm chỉ để trả lãi mỗi tháng”.
- Khó mà có dư để có thể tận hưởng được cuộc sống hay thậm chí đời sống tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì làm hoài không có dư, nó không chỉ ảnh hưởng mình bạn mà đó sẽ là vấn đề của cả gia đình.
Nếu như bạn đang thấy bản thân mình đâu đó ở trên và bắt đầu cảm thấy sợ thì xem thêm về quy trình 7 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân mà mình đã chia sẻ ở trên blog, nó sẽ giúp bạn có cái nhìn tốt hơn trong việc lập kế hoạch.
Xem thêm: Quy trình 7 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân Maya đang áp dụng
3 app quản lý tài chính cá nhân đừng bỏ qua
Thời buổi công nghệ phát triển thì chúng ta cũng nên đi theo thời đại bằng cách dùng những công cụ để hỗ trợ và mình hay dùng các ứng dụng (app) để làm điều đó.

Trước khi đi vào chi tiết 3 app này thì mình sẽ giúp bạn thấy được những lợi ích sau đây khi sử dụng:
- Không còn sợ những con số: Nếu như trước đây bạn phải ghi mọi thứ ra sổ rồi ngồi cộng trừ nhân chia từng khoản tiền để ra được con số cuối cùng thì ngày nay các ứng dụng đều sẽ có hệ thống tự động tính hết cho bạn.
- Quản lý nguồn tiền: Tiếp tục là câu chuyện về quá khứ, nếu như trước đây bạn mua gì cũng phải ghi chép thật cẩn thận để cuối tháng còn phải tổng kết lại thì giờ đây mọi thứ khi bạn chuyển tiền hay thanh toán trực tiếp thì hệ thống đều sẽ ghi lại, việc của bạn là chỉ cần thêm 1 cái ghi chú nhỏ để cuối tháng tổng kết lại biết đó là khoản đã chi nào thôi.
- Nhanh đạt được mục tiêu tài chính: Dù cho mục tiêu bạn đặt ra có nhỏ hay lớn với quy mô nào đi chăng nữa thì bạn chỉ cần cho hệ thống 1 con số thôi là nó sẽ giúp bạn biết là bạn cần phải tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng để nhanh đạt được mục tiêu đó.
- Thói quen: Hiển nhiên là khi hệ thống nó đã giúp bạn quản lý được nguồn tiền rồi thì nó cũng sẽ cho bạn thấy được là tháng đó bạn có đang tiêu xài quá đà hay không để điều chỉnh lại dòng tiền phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Tiếp theo dưới đây hãy cùng mình đến với 3 app quản lý tài chính cá nhân mà chính mình cũng đang sử dụng chúng mỗi tháng.
1. Các ứng dụng ngân hàng
Đa số các app ngân hàng hiện nay đều sẽ có một danh mục riêng để phục vụ bạn trong việc quản lý tài chính cá nhân mỗi tháng.
Nó sẽ quản lý rất tốt nguồn tiền thu chi và hãy nhớ là bạn nên sử dụng trên ứng dụng tài khoản ngân hàng mà bạn sẽ chứa số tiền gốc của mình.
Thậm chí một vài ứng dụng còn chi tiết hơn khi có thêm tính năng đặt mục tiêu tài chính, nó sẽ giúp bạn tính toán dựa trên thời gian cũng như tổng tiền mà bạn cần phải có để chinh phục được mục tiêu đó.
Ví dụ: Bạn muốn mua xe trong vòng 6 tháng thì ứng dụng sẽ dựa theo tổng thu nhập của bạn và nó sẽ tính toán ra cho bạn mỗi tháng cần phải để vào đó bao nhiêu để sau 6 tháng là bạn có được số tiền đó để mua xe.
2. Các ví điện tử
Tương tự như các ứng dụng ngân hàng thì ở các ví điện tử phổ biến hiện nay như momo, zaloPay… cũng sẽ có tính năng về “quản lý chi tiêu”, nó giúp bạn tính toán rất chi tiết các khoản thu chi mà bạn dùng trên ví.
Tuy nhiên, nó chỉ tính được khi nguồn tiền đó đã đi vào và ra trên chính ứng dụng của nó, cho nên chỉ phù hợp để việc bạn quản lý 1 phần dòng tiền nếu như nguồn tiền đi qua ứng dụng đó nằm trong kế hoạch chi tiêu cá nhân hoặc kinh doanh …
3. Các app quản lý chi tiêu
Ở các ứng dụng này thì bạn phải làm nhiều hơn so với 2 app trên vì không có nguồn tiền đi qua đây để hệ thống có thể tính toán giúp bạn.
Mà thay vào đó bạn sẽ phải điền vào thật chi tiết các khoản thu nhập và chi tiêu, hệ thống sẽ dựa vào đó để phân tích và theo dõi cách mà bạn làm với các nguồn tiền mỗi tháng.
Đa số các app này đều sẽ có thống kê mỗi tháng giúp bạn xem được liệu tháng này với các tháng trước có chi tiêu quá đà hay không.
Một vài cái tên bạn có thể tham khảo như Money Lover, Spendee, MISA,…
Nhưng cũng đừng quá phụ thuộc
Không thể nào phủ nhận việc công nghệ phát triển đang hỗ trợ rất nhiều, giảm tải bớt các khâu đau đầu nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá máy móc, theo mình thì vẫn nên có 1 cuốn sổ để thống kê hoặc ghi chi tiết vào, miễn sao cách nào bạn cảm thấy tiện lợi và thoải mái là được.
Bản thân mình hiện tại đang sử dụng excel để thống kê thu chi mỗi tháng, cộng thêm sự hỗ trợ từ các app ngân hàng đang để nguồn tiền chính để theo dõi được tình hình mỗi tháng và đặt mục tiêu từ nhỏ đến lớn.
Mình vẫn sử dụng các ví điện tử để thanh toán nên mình sẽ đưa chúng vào danh sách quản lý dòng tiền mỗi tháng thế nào để biết đường tính toán cho tháng kế tiếp.
Tạm Kết
Sau cùng mình chỉ muốn lưu ý thêm là việc quản lý tài chính cá nhân là việc cần phải làm ở tất cả mọi người (không phân biệt thu nhập cao hay thấp), nó sẽ giúp cuộc sống của bạn thoải mái hơn và dễ đạt được những mục tiêu tài chính to lớn hơn trong tương lai.
Chúc bạn thành công và cùng đón chờ thêm nhiều bài viết giá trị nữa ở blog của Mayashare!