Nội dung
Social Media Manager là gì? Học gì và làm gì để theo nghề?

Social Media Manager là gì? Học gì và làm gì để theo nghề?

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội trong thập kỷ qua đã làm thay đổi rất nhiều về hành vi của người dùng.

Họ lướt nhiều hơn, tiêu thụ nội dung cũng khác bọt hơn, hành trình tiếp cận và nuôi dưỡng thành khách hàng tiềm năng cũng thay đổi qua từng năm.

Đó là ở khía cạnh các doanh nghiệp muốn số hóa các sản phẩm/dịch vụ của mình theo sự phát triển của công nghệ.

Kéo theo đó là vô vàn cơ hội nghề nghiệp, nổi trội và tiềm năng hơn hết mà có thể bạn đã được nghe qua trong 2 năm trở lại đây là Social Media Manager.

Vậy Social Media Manager là gì? Tiềm năng thu nhập chục triệu, trăm triệu có thật không? Một người mới cần phải học và làm gì để theo nghề?

Mọi thắc mắc về chủ đề sẽ được mình giải đáp ở bài viết dưới đây.

Social Media Manager là gì?

Khái niệm

Khi doanh nghiệp triển khai 1 chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội thì về cơ bản họ sẽ phải đảm bảo làm được những đầu việc sau:

  • Xác định được chân dung khách hàng nhắm đến.
  • Chọn những nền tảng phù hợp để triển khai theo từng giai đoạn.
  • Định hướng về mặt phát triển nội dung phù hợp với nền tảng và doanh nghiệp.
  • Lên chiến lược phát triển nội dung.
  • Testing nội dung và triển khai các chiến dịch kéo traffic trên các nền tảng.
  • Phân tích các chỉ số về traffic, tiến hành tối ưu chiến lược để tăng tính hiệu quả.

Đây là quy trình chung của mọi doanh hiện nay khi muốn tồn tại và phát triển được trên các nền tảng.

Hiển nhiên từng gạch đầu dòng đó là hàng tá công việc phải làm và cần 1 người lead chính, lúc này vị trí Social Media Manager sẽ xuất hiện như vị cứu tinh, gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm.

Người này vừa phải là người có kinh nghiệm thực chiến ở các nền tảng social hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram… vừa phải tốt về mặt quản lý team, lên kế hoạch và phát triển cho doanh nghiệp

Trách nhiệm và áp lực là rất lớn, nên nếu cá nhân nào còn yếu thì rất dễ bị gãy.

Social Media Manager là người quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp trên mạng xã hội

Tiềm năng thu nhập không chỉ dừng lại con số nghìn đô

Tiềm năng về thu nhập

Theo thống kê việc làm trên Vietnamwork, Indeed và một số trang khác, mức lương cho vị trí Social Media Manager sẽ rơi vào khoảng 15 triệu đến 25 triệu/ tháng tại Việt Nam (dao động và sẽ phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực của từng công ty).

Ngoài mức lương cứng ở các công ty, bạn còn có thể trở thành Freelancer nhận và làm các job bên ngoài theo hợp đồng.

Ở Việt Nam có thể thấy, thông thường các Social Media Manager sẽ đóng lại thành 1 gói dịch vụ.

Ví dụ: 1 gói 10 triệu/tháng sẽ có việc lên plan và triển khai content, design hình ảnh, kế hoạch chạy quảng cáo…

Ngoài ra, khi bạn chinh chiến ở thị trường nước ngoài thì thấy nhiều công ty họ sẽ deal theo giờ, nghĩa là họ sẽ trả khoảng $50-$100 cho 1 giờ bạn làm việc cho doanh nghiệp của họ.

Chưa kể khi bạn đã có case study và kinh nghiệm đủ cứng rồi thì có thể phát triển các business riêng của mình, đa dạng được thu nhập.

Lúc này thì thu nhập của bạn không chỉ dừng lại ở vài chục triệu/tháng nữa mà hoàn toàn có thể lên con số hàng trăm triệu, thậm chí là vài tỷ (những case này mình đã gặp nhiều).

Tiềm năng về việc làm

Báo cáo của Sprout Social ghi nhận có tới 67% khách hàng quyết định chi tiêu cho thương hiệu và 78% số đó sẽ ghé thăm cửa hàng trực tiếp khi họ tiếp cận thương hiệu trên các trang mạng xã hội.

Thêm vào đó, các chỉ số trong hình dưới đây cho thấy có đến 58,4% tổng dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội.

Đồng nghĩa với việc: cứ có 100 người sử dụng mạng Internet, thì có tới 93 người trong số đó có tài khoản mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube,…

(Nguồn: afreelancedoer)

Thông qua những số liệu trên, chúng ta thấy được một thực tế rằng khách hàng đang dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn.

Các doanh nghiệp từ nhỏ, vừa đến lớn vì thế càng cần những người làm Social Media Manager. Social Media Manager sẽ giúp doanh nghiệp quản lý và đưa thương hiệu của họ đến gần hơn với khách hàng.

Những đầu việc phải “gánh” của Social Media Manager

Ở ngay phần khái niệm social media manager là gì thì mình đã có liệt kê ra từng đầu việc mà mọi doanh nghiệp hiện nay đều áp dụng chung 1 quy trình như vậy khi muốn phát triển trên các nền tảng mạng xã hội.

Tương tự như vậy thì đó là những đầu việc cơ bản mà bất cứ 1 Social Media Manager nào cũng cần phải cân được.

Cụ thể hơn như sau.

Xác định được mục tiêu khách hàng nhắm đến

Nếu bạn làm ở những công ty tầm trung trở lên thì thường họ đã thực hiện bước nghiên cứu này ngay từ đầu, việc của bạn là chỉ tiếp nhận kết quả, kiểm tra lại 1 lần nữa nó có phù hợp với tầm nhìn, hướng phát triển của doanh nghiệp trên các nền tảng hay không.

Tổng quan thì thời gian đầu việc nghiên cứu customer insight này thì chỉ có thể đến từ việc khảo sát, nghĩa là bạn đặt câu hỏi và đi tìm kiếm câu trả lời ở những đối tượng có thể tiếp cận được.

Sau này khi đã có những số liệu chi tiết thì bạn sẽ hiểu nhiều hơn về khách hàng tiềm năng.

Tại sao cần phải hiểu và nắm được việc này? Để bạn định hướng và lên kế hoạch phát triển nội dung hiệu quả hơn, tăng tính nhận diện và chuyển đổi sau này cho doanh nghiệp.

Lên kế hoạch nội dung

Social Media Manager sẽ phải lên bảng kế hoạch về các hình thức nội dung sẽ được đăng tải trên các trang mạng xã hội của doanh nghiệp như: Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram,…

Bảng kế hoạch này cần lên chi tiết về: chủ đề, người nhận task (content, hình ảnh…), timeline cụ thể…

Ngoài những nội dung thiên hướng về chăm sóc Page ra thì bạn nên xen kẽ những dạng khác như mini game, UGC (nội dung do chính khách hàng tạo ra), livestream, meme theo trend…

Cần lưu ý là những dạng nội dung theo trend phải thật cẩn thận để không làm rối bố cục nội dung cũng như bị loãng tệp khi reach.

Tuy nhiên, cần lưu ý bạn cần phải hiểu nền tảng, vì mỗi nơi sẽ có cách triển khai nội dung khác nhau (đó là về mặt hiệu quả tiếp cận và tương tác, chưa nói đến tính chuyển đổi).

Lên lịch đăng tải nội dung hàng tháng

Việc lên lịch đăng bài không đơn giản chỉ dừng lại ở việc sắp xếp và hẹn lịch thời gian cho một bài post cụ thể.

Đó là cả chiến lược giúp bạn xác định được khung thời gian “vàng” để đăng nội dung lên có thể tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Ngoài những khung giờ quá cơ bản mà ai cũng biết như sáng 7h30 (thời gian người ta vừa ăn sáng vừa lướt mạng xã hội) hay tối 21h (thời điểm online nhiều và tỷ lệ ra chuyển đổi cao nhất trong ngày) thì đó chỉ là những phỏng đoán.

Nhưng phỏng đoán này hoàn toàn có cơ sở vì nó dựa vào việc phân tích tâm lý của người dùng chung mạng xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, bạn thử nghĩ xem ai cũng biết những khung giờ đó và đúng thời điểm là một lượng lớn bài viết được đăng tải cùng 1 lúc.

Lúc này thì có phải nền tảng phải chia tỷ lệ reach ra càng nhiều nên có phải bị tác dụng ngược không?

Vì vậy mà bạn cần tư duy khác đi 1 xí, là hãy lựa chọn những khung giờ dị hơn, người ta đăng lúc 21h thì bạn đăng lúc 22h30 – 23h.

Để chính xác hơn thì mọi thứ đều nên được bàn luận dựa trên những số liệu thu thập được, ở mỗi nền tảng hiện nay đều có phần “audience” riêng để bạn có thể traking được khung giờ khách hàng tiềm năng online.

Tương tác với khách hàng

Một công việc khác không kém phần quan trọng mà một Social Media Manager cần làm chính là lên kế hoạch tương tác với khách hàng.

Bạn có thể tự thực hiện các hành động tương tác với khách hàng, hoặc phân bổ các thành viên khác thực hiện, miễn là bạn xây dựng sẵn chiến lược và kịch bản phù hợp.

Kế hoạch tương tác với khách hàng thường bao gồm: trả lời bình luận, tương tác với cá nhân hoặc một thương hiệu khác, livestream giải đáp thắc mắc, minigame theo mùa,…

Phân tích dữ liệu

Bước này cực kỳ quan trọng, quyết định nên 1 Social Media Manager “xịn” là như thế nào.

Nếu may mắn định hướng nội dung và chiến lược truyền thông các nền tảng mà bạn khởi chạy lần đầu được viral và kênh phát triển thì điều này đúng là chỉ có “ông bà độ”.

Nhưng 10 case thì chắc may lắm được 1, vì vậy mà các bước testing, tracking và tối ưu là cần phải được luân chuyển liên tục.

Source: Bạn Nghĩa – Founder của các page lớn KTLN.

Cập nhật thay đổi của các nền tảng mạng xã hội

Sân chơi mạng xã hội ngày nay không còn thuộc về bất kỳ 1 cái tên nào, giờ đây nó đã là “1 cuộc chiến tranh giành thị phần người dùng”.

Vì vậy, việc thay đổi meta là thường xuyên diễn ra, việc của 1 Social Media Manager là phải thích nghi và nhạy với những sự thay đổi này.

Việc này giúp bạn điều chỉnh được định hướng nội dung phù hợp với thời thế hơn.

Hiển nhiên là việc lên xuống của 1 kênh trên nền tảng nào đó là buộc sẽ diễn ra, cái cần của 1 Social Media Manager là phải đưa ra chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng cho kênh.

5 kỹ năng cần có để theo đuổi nghề Social Media Manager

Nhìn chung, để trở thành một Social Media Manager chuyên nghiệp thì bạn cần nắm rõ 5 kỹ năng sau đây:

Kỹ năng viết

Viết là kỹ năng cơ bản và thiết yếu nhất của một Social Media Manager.

Đương nhiên rồi, kỹ năng viết là không thể thiếu khi bạn theo đuổi nghề này, bởi viết chính là phương tiện giúp bạn truyền tải nội dung đến khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, bạn cần “nắm trong lòng bàn tay” kỹ năng viết quảng cáo (copywriting), sao cho bài viết của bạn vừa nêu bật được sản phẩm, nhưng cũng khiến khách hàng cảm thấy gần gũi. Có như vậy thì bài viết quảng cáo của bạn mới dễ “ra đơn”.

Kỹ năng sáng tạo

Chìa khóa vàng để tạo nên thành công của 1 Social Media Manager giữa một thị trường đầy cạnh tranh ngày nay chính là sự “sáng tạo”.

kỹ năng sáng tạo quan trọng với 1 Social Media Manager
Kỹ năng sáng tạo quan trọng với 1 Social Media Manager

Sáng tạo ở đây có nghĩa là kể cả vứt bạn ở đâu, bất kỳ thời điểm nào, ở trên bất kỳ nền tảng nào, bạn cũng có thể nghĩ ra hướng nội dung mới để quảng bá và phát triển cho thương hiệu và sản phẩm.

Nhưng bạn cần phải lưu ý là sáng tạo phải phù hợp với thị trường và nền tảng.

Ví dụ: Bạn đang bán giày, bạn làm các nội dung về thông tin và bán hàng trên Facebook, Instagram… Nhưng khi bê sang các nền tảng khác như Tiktok thì phải sáng tạo khác đi để phù hợp với nền tảng => idea ở đây có thể là “Nhuộm đôi giày và vứt luôn đôi giày, vì giày hư rồi lấy gì mang nữa”.

Kỹ năng thiết kế

Là một Social Media Manager, bạn cần có khả năng thiết kế hình ảnh, video cơ bản.

Mục đích là để khi có những việc nhỏ cần có sản phẩm gấp thì bạn có thể tự mình cân luôn mà không cần phải chờ đợi các bạn trong team.

Ngoài ra, còn 1 mục đích chính nữa bạn cần phải có kỹ năng này là để bạn hiểu hơn về sản phẩm, về quy trình làm việc để có thể đưa ra những brief hiệu quả hơn cho các bạn khác trong team làm.

Ví dụ:

Nếu bạn brief theo kiểu “chị cần 1 hình ảnh vừa chuyên nghiệp vừa thể hiện được tính trẻ trung của thương hiệu” thì mình thề Designer đang rủa 3 đời nhà bạn.

Thay vào đó bạn nên đưa ra chi tiết về tầm nhìn, định hướng, màu sắc, bố cục hay thậm chí là những source để bạn thiết kế tham khảo…

Hãy lưu ý phần này, vì mặt visual (hình ảnh, video…) sẽ là điểm giúp bạn tăng tính nhận diện thương hiệu cũng như độ chuyên nghiệp khi tiếp cận đến với người dùng.

Kỹ năng giao tiếp

Đứng ở vị thế của 1 Social Media Manager thì bạn sẽ phải thường xuyên làm việc và trao đổi với các đối tác, thường thấy ở những người hợp tác trong việc làm truyền thông.

Ngoài ra, bạn còn sẽ giao tiếp cho 1 số công việc liên quan trong nội bộ như chia sẻ và thuyết trình ý tưởng với đội nhóm, pitching chiến lược cho các đối tác, tương tác với khách hàng, báo cáo cho cấp trên,…

Giao tiếp ở đây không chỉ đơn thuần là nói cho xong câu chuyện mà nó còn phải chứa đựng sự “thao túng tâm lý”, bảo kê được quan điểm cá nhân và thuyết phục được người khác hiểu và theo được kế hoạch mà bạn vạch ra.

Chưa hết, bạn cũng cần phải có được cả sự “lắng nghe” những thời điểm cần thiết để cải thiện thêm về “sơ đồ chiến lược” của bạn đưa ra.

Kỹ năng phân tích dữ liệu

Với tư cách là một Social Media Manager thì kỹ năng phân tích dữ liệu là vô cùng quan trọng. Nhờ có kỹ năng này, bạn có thể phân tích các chỉ số trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, đưa ra được những báo cáo cho cấp trên và lên được kế hoạch hành động phù hợp với xu hướng và thị hiếu người dùng.

Phần này mình đã nói khá nhiều ở các ý trên nên ở đây bạn chỉ cần hiểu nó là 1 kỹ năng quan trọng đối với 1 Social Media Manager.

Kỹ năng nghiên cứu

Nghiên cứu ở đây bao hàm ý nghĩa rất rộng, nhưng nhìn chung là bạn sẽ cần phải research các việc như thị trường, sản phẩm, đối thủ, nền tảng…

Mục đích là để có thể lên được chiến lược và thực thi nó 1 cách hiệu quả.

Ví dụ:

  • Research xem nhu cầu thị trường đang như thế nào.
  • Research xem đối thủ cạnh tranh đã đang làm gì trên các nền tảng mạng xã hội, việc của bạn là phải làm tốt hoặc ngang bằng rồi mới tính đến bước vượt đối thủ.
  • Research nền tảng, như đã đề cập thì các nền tảng sẽ thay đổi meta thường xuyên, bạn nên nghiên cứu từ những tài liệu nước ngoài để có thể đón đầu trước xu thế trước khi chính thức được áp dụng ở Việt Nam (thường Việt Nam sẽ nhận các bản cập nhật muộn hơn các nước khác).

Tóm lại đây chỉ là 5 kỹ năng cơ bản mà buộc dân social media manager nào cũng cần phải có và khi bạn chính thức bước vào chiến dịch cụ thể thì nó sẽ phát sinh thêm nhiều kỹ năng khác mà bạn sẽ ước rằng bản thân “trang bị sớm” vẫn hơn.

Lộ trình trở thành Social Media Manager chuyên nghiệp

Về cơ bản thì không có bất kỳ 1 rào cản yêu cầu bạn muốn trở thành 1 social media manager thì phải xuất thân cố định từ vị trí nào.

Bạn có thể khởi đầu là 1 content writer, copywriter, content creator… chỉ cần bạn có tố chất lãnh đạo, hiểu nền tảng, vững về chuyên môn thì đó đã là 1 bước tiến để bạn bỏ xa những đối thủ khác và leo lên ngồi được ở vị trí social media manager.

Sau đó mình thường thấy xu hướng sẽ phát triển thành 1 Marketing Manager, tiếp đến là Marketing Director và lên cao nữa có thể là Vice President Marketing. Lộ trình này nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào năng lực và sự cố gắng bạn.

Mặc khác, một số ít Social Media Manager khác sẽ theo đuổi vị trí Digital Marketing Manager hoặc Social Media Director. Theo mình, bạn hãy xác định rõ thế mạnh và các điều kiện khác của bản thân để tìm được lộ trình phát triển hợp lý nhất.

Quan trọng hơn hết là cái duyên của nghề sẽ “dẫn dắt” chúng ta đến đâu nữa.

lộ trình trở thành social media manager

Kiếm việc ở đâu? Trong hay ngoài nước?

Như đã đề cập ở trên, nghề Social Media Manager không giới hạn nơi bạn tìm và làm việc.

Vì vậy mà câu hỏi nên làm ở trong hay ngoài nước thì nó còn phụ thuộc vào năng lực, còn về mặt cơ hội thì ở đâu cũng sẽ có cơ hội cả.

Nếu bạn làm ở thị trường trong nước thì sẽ “dễ thở” hơn khi lao ra thị trường lớn như nước ngoài.

Lý do đơn giản, bởi vì ở Việt Nam mọi thứ còn quá mới, cơ hội phát triển theo đó là “rất sáng” nhưng chắc chắn thu nhập sẽ không bằng khi làm với các công ty nước ngoài, nhưng tỷ lệ “cạnh tranh” sẽ cực kỳ lớn.

Hơn nữa, khi lao ra biển lớn thì yêu cầu bạn phải tốt về mặt đọc hiểu tiếng Anh.

Đây là lời khuyên của mình:

  • Nếu bạn còn ít kinh nghiệm thì nên khởi đầu với thị trường trong nước.
  • Sau này đủ cứng rồi thì có thể thử sức với môi trường nước ngoài.
  • Khi đã kiếm được mức thu nhập “đủ sống” thì nên duy trì song song làm cả trong và ngoài nước. Bản thân mình quan niệm là nếu ai cũng cống hiến cho thị trường nước ngoài thì thị trường Việt Nam khó mà phát triển được.

Một số website uy tín mà bạn có thể tìm kiếm công việc Social Media Manager như: linkedin, vietnamwork, vlance, upwork… hoặc đơn giản hơn, bạn hãy thử tham gia các group cộng đồng việc làm quốc tế để thử sức với môi trường nước ngoài với mức lương hấp dẫn.

Tổng Kết

Trên đây là bộc bạch của mình về mọi thứ liên quan đến Social Media Manager, từ khái niệm cho đến trang bị, lộ trình để 1 người trái ngành vẫn có thể theo được cái nghề đầy tiềm năng này.

Bạn cứ hiểu đơn giản về cái sự tiềm năng mà mình nói đến như sau: Cứ còn những sự phát triển và đấu đá lẫn nhau của các nền tảng mạng xã hội thì cơ hội cho nghề social media này càng rộng mở.

Chúc bạn thành công và hẹn gặp lại ở bài viết kế tiếp!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận