Vốn 2 triệu nên kinh doanh gì? Vốn 5 triệu nên kinh doanh gì? Vốn 30 triệu nên kinh doanh gì hay thậm chí là vốn 400 triệu nên kinh doanh gì?
Đây là những câu hỏi kèm theo 1 con số cụ thể mà mình đã nhận được rất nhiều từ những bạn đang mong muốn khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh.
Thật sự sẽ không có con số cụ thể nào và với số vốn bao nhiêu thì bạn cũng đều sẽ bắt đầu được, chỉ khác biệt ở cách bạn lựa chọn thị trường, cách tiếp cận khách hàng.
Vì vậy ở bài viết dưới đây mình sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng kinh doanh với số vốn 30 triệu trở lên kèm theo những phân tích từ kinh nghiệm cá nhân để bạn có thể tham khảo lựa chọn hướng đi phù hợp.
1/ Bất động sản cho thuê
Nếu mình nói bạn với số vốn 30 triệu thì đầu tư vào bất động sản là điều viễn vông.
Nhưng nó sẽ khả thi nếu bạn đi thuê và cho thuê lại, 1 lựa chọn an toàn hơn việc bạn sở hữu riêng 1 bất động sản nào đó bằng việc đi vay vốn ngân hàng.
Cách này vẫn sẽ có tiềm năng về lợi nhuận cho bạn nếu bạn lên kế hoạch, tìm hiểu thị trường, tính toán nguồn tiền thật kỹ.
- Tìm hiểu thị trường: Bạn cần phải tìm hiểu thị trường bất động sản ở khu vực mà bạn định đầu tư, đánh giá nhu cầu và giá thuê của các căn hộ, nhà ở, phòng trọ, văn phòng, cửa hàng… để có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu và tiềm năng kinh doanh (bởi giá sẽ dao động vào vị trí, tiện ích xung quanh). Với 30 triệu thì lựa chọn hợp lý là bạn nên đi đến những vùng ven, nơi có nhiều sinh viên, dân văn phòng, hoặc không cần gần nhưng nên thuận tiện về mặt di chuyển, đi lại.
- Tìm kiếm bất động sản phù hợp: với 30 triệu thì bạn nên tìm những nhà nguyên căn, căn hộ giá tầm 12 triệu/tháng đổi lại, chia nhỏ các phòng và cho thuê lại. Nên chọn lựa những căn nào mà bạn không cần phải sửa chữa nhiều, bạn chỉ decor nhẹ lại cho các phòng là được, bởi vốn ban đầu không có nhiều.
- Tính toán giá thuê: bạn nên tính toán hết các chi phí như tiền bạn thuê nhà, chi phí đầu tư ban đầu như khâu decor, thiết bị (máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt), bàn ghế, tủ.
⇒ Lời khuyên của mình là nếu chủ cũ có sẵn những thiết bị và vật dụng này thì nên thương thảo với họ để lại hoặc bạn sẽ mua lại với mức giá rẻ hơn để tiết kiệm bớt phần chi phí.
Các phần chi phí khác như điện nước, internet, rác, dọn dẹp… bạn nên tính tổng 1 lần, sau đó hãy tính toán giá cho thuê lại hợp lý, bạn nhớ là nên cân nhắc theo vị trí bất động sản trung bình ở đó đang như thế nào, giá cao hơn mặt bằng chung thì rất khó cho thuê hoặc nếu cao hơn thì nên có 1 cái gì đó đặc biệt hơn những nơi khác gần đó. - Tìm kiếm người thuê: Bạn có thể đăng tin lên các trang như batdongsan, chotot, đăng lên các group Facebook (cách này mình thấy hiệu quả hơn), booking những KOC đang làm chủ đề review về phòng cho thuê trên Tiktok.
- Hợp đồng rõ ràng: điều đặc biệt quan trọng là bạn cần phải làm hợp đồng rõ ràng với người đi thuê, nên có mục thanh toán đúng hạn, giữ gìn tài sản và nếu hư hại thì khi kết thúc hợp đồng cần phải bồi thường bao nhiêu % giá trị tài sản đó…
- Quy định: ngoài phần hợp đồng thì bạn cũng nên đảm bảo về mức độ an ninh nơi bạn cho thuê, có camera đầy đủ, quy định giờ giấc (nên có biện pháp vì hiện nay ít ai thuê chỗ giới hạn thời gian), vô ý không đóng cửa và làm mất tài sản thì người đó cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đầy đủ camera…
Đồng thời, bạn cần bảo trì và sửa chữa nhà cửa thường xuyên để duy trì giá trị tài sản của người cho bạn thuê và đáp ứng nhu cầu của người đi thuê.

2/ Tiệm bánh nhà làm
Kinh doanh tiệm bánh nhà làm (lò bánh mì) là 1 lĩnh vực cần bạn phải có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn làm bánh, hiểu được phân khúc khách hàng để cho ra được chất lượng bánh phù hợp với khẩu vị.
Lĩnh vực này bạn chỉ cần làm bánh ngon là tự khắc sẽ có lượng khách hàng trung thành.
Với số vốn 30 triệu đồng, bạn có thể bắt đầu một tiệm bánh nhỏ và phát triển dần theo thời gian.
Dưới đây là một số ý tưởng và hướng đi bạn có thể tham khảo.
- Xác định mục tiêu và đối tượng khách hàng:
- Trước khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần xác định mục tiêu của mình là gì, ví dụ như sản xuất và bán các loại bánh kem, bánh ngọt, bánh mì, bánh tráng miệng…
- Sau đó, hãy tìm hiểu và định hướng đối tượng khách hàng của bạn là ai. Ví dụ như học sinh, sinh viên, người trung niên, gia đình,…
- Lựa chọn vị trí kinh doanh:
- Vị trí của tiệm bánh rất quan trọng để thu hút khách hàng. Bạn có thể chọn các khu vực tập trung dân cư, trung tâm thương mại, khu vực gần trường học, khu vực du lịch, khu chợ.
- Tuy nhiên, bạn cũng cần tính toán chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác như điện nước,… để quyết định đến vị trí sẽ đặt cửa hàng thời gian đầu.
- Đầu tư vào trang thiết bị và nguyên liệu:
- Để sản xuất các loại bánh ngon, bạn cần đầu tư vào trang thiết bị như lò nướng, máy xay bột, máy đánh trứng, máy trộn bột,.. và các nguyên liệu như bột mì, đường, bơ, trứng,…
- Bạn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.
- Tạo thương hiệu và quảng cáo:
- Về cơ bản thì bạn chỉ cần lựa chọn 1 mặt bằng kinh doanh tốt, trang trí tủ bánh thật hấp dẫn thì tự khắc sẽ có khách hàng.
- Bánh ngon, giá hợp lý thì tự khắc bạn sẽ có được ngay tệp khách hàng trung thành từ đầu.
- Ngoài ra bạn nên tạo store trên các app như Grab, Baemin, Shopee Food… để tiếp cận được tệp khách hàng trên đây.
- Nên có thêm các kênh mạng xã hội khác để tiếp cận với những tệp khách hàng tiềm năng, tối thiểu là phải có Fanpage Facebook (hoặc Facebook cá nhân của bạn cũng được).
- Quản lý tài chính và kế hoạch tương lai: Khi kinh doanh tiệm bánh nhà làm, việc quản lý tài chính là rất quan trọng. Bạn cần thiết lập một hệ thống theo dõi chi tiêu và thu nhập hàng tháng, từ đó đưa ra các biện pháp để tăng doanh thu và giảm chi phí.
Đồng thời, bạn cũng cần phải lên kế hoạch cho tương lai. Với số vốn 30 triệu, tiệm bánh nhà làm của bạn có thể không có lợi nhuận ngay từ đầu.
Hãy lên kế hoạch dài hạn để phát triển kinh doanh, bao gồm cả mở rộng sản phẩm, mở rộng quy mô, thuê nhân viên và đưa ra các dịch vụ mới.

3/ Sản phẩm healthy
Ngày nay nhu cầu ăn sạch, sống khoẻ ngày càng tăng cao, vì vậy mà các sản phẩm liên quan luôn được mọi người săn đón và là ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng mà bạn có thể lựa chọn.
- Cửa hàng bán lẻ đồ ăn healthy: Bạn có thể mở một cửa hàng bán lẻ đồ ăn healthy, cung cấp các sản phẩm như salad, sandwich, trái cây cắt lát, nước ép trái cây, sữa chua, snack… Tuy nhiên, để cạnh tranh với các đối thủ khác, bạn cần có những sản phẩm độc đáo, chất lượng và giá cả hợp lý.
- Dịch vụ đồ ăn healthy: Rất nhiều người muốn ăn khoẻ, muốn giảm cân, nhưng họ thiếu thời gian để tự ăn thì bạn có thể cung cấp cho họ giải pháp với các gói từ thấp đến cao, sáng – trưa – chiều – tối, đơn giản là bạn chỉ cung cấp đúng các thực phẩm healthy, còn cao cấp hơn bạn có thể dựa vào lịch sinh hoạt, tập luyện của họ để lên 1 giáo án về dinh dưỡng riêng, cách này sẽ hiệu quả hơn khi bạn kết hợp làm chung với các PT phòng Gym.
- Bán hàng online: Bạn có thể tiết kiệm chi phí về mặt bằng nếu lựa chọn mở store trên các app giao đồ ăn như Grab, Baemin, hoặc các kênh mạng xã hội như Facebook, cách này bạn có thể áp dụng cả việc bán lẻ đồ ăn và cả dịch vụ đồ ăn healthy ở trên.
Quá trình khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn healthy yêu cầu bạn phải tìm hiểu kỹ thị trường, đối tượng khách hàng, sản phẩm cạnh tranh, chiến lược marketing…
Bạn cũng nên lưu ý đến vấn đề giá cả, chất lượng và đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm, vì đây là loại sản phẩm dành cho sức khỏe, vệ sinh và an toàn thực phẩm là rất quan trọng.
Hãy lựa chọn nguồn nguyên liệu tươi sạch, đảm bảo không sử dụng các chất bảo quản, phẩm màu độc hại. Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín của thương hiệu của bạn và thu hút được nhiều khách hàng.
Ngoài ra, chính bạn cũng cần phải là người có chuyên môn tốt trong dinh dưỡng, và phải giáo dục khách hàng rằng dinh dưỡng + sinh hoạt + tập luyện mới có thể sống khoẻ, tăng/giảm cân được.

4/ Cafe takeaway
Kinh doanh cafe takeaway là một lựa chọn khá phổ biến hiện nay với những ai muốn khởi nghiệp với số vốn không quá lớn.
Với số vốn 30 triệu đồng, bạn có thể bắt đầu kinh doanh mô hình cafe takeaway theo các bước sau:
- Nghiên cứu thị trường: Trước khi bắt tay vào kinh doanh, bạn cần tìm hiểu thị trường để xác định nhu cầu của khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể thăm quan các quán cafe takeaway đang hoạt động để tìm hiểu về giá cả, chất lượng sản phẩm, phục vụ khách hàng, phong cách thiết kế, vị trí đặt quán và cả cách mà họ marketing.
- Lựa chọn vị trí địa điểm: Vị trí địa điểm quan trọng để thu hút khách hàng và tối ưu hóa doanh thu. Bạn nên chọn vị trí có lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc, giao thông thuận tiện, dễ dàng tìm kiếm và đặt hàng. Nếu bạn không có kinh nghiệm về lựa chọn địa điểm, có thể tìm kiếm các chuyên gia tư vấn hoặc các dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm địa điểm kinh doanh.
- Thiết kế: Thiết kế tủ bán cafe takeaway nên đảm bảo tiện nghi, thuận tiện cho khách hàng khi đến mua và mang đi, gọn gàng và tạo cảm giác sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
- Mua sắm trang thiết bị: Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các thiết bị để pha chế cafe, bao bì, ly, ống hút… Nếu số vốn có hạn, bạn có thể mua sắm các thiết bị cơ bản để tiết kiệm chi phí.
- Xây dựng thực đơn: Thực đơn của quán cafe takeaway thì nên chỉ có cafe hoặc những món liên quan khác, đó là thời gian đầu, sau này khi bạn có vốn, có mặt bằng và có thể mở rộng thì thêm những món uống khác, thậm chí là các món bánh ăn kèm. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến cách đóng gói sản phẩm để đảm bảo sự tươi ngon và tiện lợi cho khách hàng khi mang đi.
- Tạo thương hiệu và quảng bá: Để thu hút khách hàng đến với quán cà phê takeaway của mình thì bạn chỉ dựa vào lượng khách đi qua mỗi ngày là chưa đủ, bạn cần phải có 1 điểm nhấn đặc biệt nào đó để họ phải dừng chân lại hoặc thậm chí là những người không đi qua con đường đó vẫn biết đến bạn và phải chạy qua để mua cafe bên bạn để mang về, lúc này cần phải có các chiến lược marketing (phần lưu ý cuối cùng thì mình sẽ lấy case study rất hay để bạn tham khảo).
Lấy cái case study mà mình mới xem gần đây về kênh tiktok bán cafe muối của chú này, cũng như bao quán cafe takeaway khác nhưng chú lại được viral, có được tệp khách hàng online đến mua rất đông.

Lý do là bởi chú biết cách đánh đúng vào cảm xúc và sự đồng cảm từ người xem, đó là:
- “Khởi nghiệp nhiều lần thất bại”
- “Bắt đầu 2 bàn tay trắng ở tuổi 57”
- “Không muốn sống dựa vào con cháu”
Keyword ở đây là bạn cần phải biết điểm mạnh bản thân, phân khúc khách hàng đang hiện hữu ở đâu trên internet, từ đó lựa chọn kênh quảng bá phù hợp.
Sau đó cũng sản phẩm đó nhưng hãy tạo 1 điểm nhấn, 1 thông điệp, 1 câu chuyện nào đó đặc biệt đánh được vào cảm xúc của khách hàng.
Đó là công thức giúp bạn kinh doanh thành công được ở giai đoạn đầu, còn những giai đoạn phía sau thì cần có sự thay đổi về mặt chiến lược.
5/ Đặc sản vùng miền
Quê bạn có đặc sản gì thì bạn sẽ bán món đó, lúc này bạn sẽ nhẹ đầu bớt về phần nguồn hàng khi chỉ có vỏn vẹn 30 triệu trong tay để kinh doanh.
Đây sẽ là quy trình hướng đi mà bạn có thể tham khảo:
- Nghiên cứu thị trường và tìm kiếm nguồn cung ứng: Đầu tiên bạn cần phải xác định đặc sản mà mình sẽ kinh doanh là gì, thị trường có phù hợp để đáp ứng, đã có ai bán trước đó chưa? Họ kinh doanh kiểu gì? Sau đó mới đến bước bạn tìm kiếm nguồn cung ứng, nếu bạn có thể tự làm hoặc nhà bạn cung cấp sẵn thì nhẹ đầu 1 phần.
- Khai thác kênh bán hàng online: Hiện nay, việc bán hàng trực tuyến đang trở thành xu hướng và là kênh bán hàng tiện lợi, tiết kiệm chi phí. Ưu tiên sẽ là các app giao hàng hiện nay như Grab, Baemin… Đồ khô thì có thêm lựa chọn như Shopee, Tiktok Shop, các kênh mạng xã hội như Facebook.
- Mở các điểm bán hàng trực tiếp: Ngoài việc khai thác kênh bán hàng online, bạn có thể mở các điểm bán hàng trực tiếp như cửa hàng, quầy hàng, gian hàng tạp hóa,… Tuy nhiên, việc này sẽ tốn nhiều chi phí hơn và đòi hỏi sự chú ý đến vị trí và đối tượng khách hàng tiềm năng. Lời khuyên của mình là nên bắt đầu với việc bán online trước, sau này hãy tính đến việc này khi đã có lợi nhuận, hoặc khi đó sẽ tìm kiếm thêm đối tác để mở rộng thị trường.
- Tăng cường chất lượng sản phẩm và dịch vụ: Vẫn là lời khuyên cũ, chú trọng vào chất lượng, vệ sinh an toàn thực phầm, giá cả hợp lý và cả phần dịch vụ khách hàng cũng rất quan trọng.
- Xây dựng mối quan hệ với khách hàng: Việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng là một yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển doanh nghiệp của bạn. Bạn nên đảm bảo chất lượng sản phẩm đặc sản của mình, đồng thời tạo một môi trường giao tiếp thân thiện và chuyên nghiệp với khách hàng. Bạn có thể tạo một chương trình thẻ thành viên hoặc ưu đãi đặc biệt cho khách hàng thường xuyên để giữ chân họ.

Tổng Kết
Đó là những gợi ý về các hình thức kinh doanh mà bạn có thể làm được với số vốn 30 triệu, cũng như những lưu ý quan trọng nếu bạn muốn thành công được trong thời buổi số hoá hiện nay.
Thật ra là còn nhiều, nhưng kinh nghiệm của mình chỉ gói gọn trong bao nhiêu đó, bạn có thể góp ý thêm giúp mình bằng cách để lại bình luận dưới bài viết này.
Chúc bạn thành công!